Hai tàu cá vỏ thép bàn giao cho ngư dân Hải Phòng |
Tàu đóng mới đạt thấp
Trong tiếng máy ầm ầm của chiếc tàu cá vỏ thép Sông Chanh 01 vừa được bàn giao, anh Nguyễn Văn Hải, chủ tàu cho biết, đang đi biển đánh bắt mực. Tàu cá vỏ thép có thể giúp đội tàu gồm 12 người đi xa hơn so với tàu vỏ gỗ trước đây. “Mới nhận bàn giao tàu cá từ tháng 9 đến nay, chúng tôi đi được ba chuyến biển. Vốn vay khá lớn, nên ngay khi nhận tàu là ra khơi ngay. Mỗi chuyến được khoảng gần 30 tấn cá mực”, anh Hải nói và cho biết, so với tàu vỏ gỗ trước chỉ khoảng trên dưới chục tấn. Hơn nữa, tàu thép tầm hoạt động xa hơn, đi được dài ngày và chịu được sóng, gió cấp 7, cấp 8, trong khi tàu vỏ gỗ chỉ chịu được cấp 3.
Theo một số chủ tàu, hiện nay, do tàu mới nên trang thiết bị hoạt động chưa ổn định, một số thiết bị gặp trục trặc phải xử lý, thời gian hoạt động không nhiều, thiếu thiết bị để có thể hoạt động dài ngày hơn trên biển như: Tủ cấp đông và máy lọc nước tránh phải mang theo nước ngọt từ đất liền... |
Dù vậy, tàu cá vỏ thép của anh Hải là một trong không nhiều tàu được bàn giao trong thời gian qua cho các chủ tàu cá. Theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp, thời hạn vay tới 11 năm và lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm, cao nhất là 3%/năm. Với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên) nếu đóng mới tàu vỏ thép, chủ tàu trả lãi suất 1%/năm. Đóng mới tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ (công suất 400CV trở lên), chủ tàu trả lãi suất vay vốn 2%/năm. Kế hoạch dự kiến đóng mới khoảng 2.500 tàu cá vỏ thép trên toàn quốc.
Kế hoạch dự kiến ban đầu là vậy, nhưng theo thống kê của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đến nay mới chỉ có khoảng 100 tàu cá vỏ thép được thực hiện, trong đó hơn 70 tàu đã được bàn giao cho các chủ tàu. Còn theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, thời gian qua mới phê duyệt hơn 1.000 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, trong đó một nửa là tàu vỏ gỗ công suất lớn, số còn lại là tàu cá vỏ thép. Như vậy, so với kỳ vọng số lượng đóng mới khoảng 2.500 tàu cá vỏ thép ban đầu, đến nay số lượng đóng mới được trên 100 tàu cá vỏ thép là quá thấp.
Ngư dân khó thu xếp vốn đối ứng
Thực tế, việc đóng mới tàu cá vỏ thép vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc ở cả phía chủ tàu và các công ty đóng tàu. Theo số liệu từ SBIC, trong năm 2016, các công ty đóng tàu thành viên ký hợp đồng đóng mới 28 tàu cá và hiện đang thi công 31 tàu.
Theo Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến, để thực hiện Nghị định 67, đơn vị đã làm việc với từng địa phương và cả phía ngân hàng, làm việc trực tiếp với chủ tàu để rút gọn các thủ tục. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Thông tư 26 của Bộ Tài chính quy định, tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế. Do vậy, đơn vị đóng tàu xuất hóa đơn cho ngư dân không có thuế VAT và thuế VAT liên quan đến tàu cá sẽ tính vào chi phí đóng tàu, khiến giá thành đóng tàu tăng. Tất nhiên, chi phí tăng này ngư dân lại phải chịu.
“Hiện, đóng tàu theo Nghị định 67 được xếp vào đối tượng không chịu thuế. Mà đối tượng không chịu thuế lại không chịu giá trị gia tăng của thiết bị đầu vào nên phải cộng vào giá thành”, ông Chiến nói và cho biết thêm, khó khăn của nhiều ngư dân là nguồn vốn đối ứng. Theo nghị định của Chính phủ, ngư dân được vay tối đa đến 95% giá trị con tàu. Số còn lại các chủ tàu phải có vốn đối ứng. Như vậy, cũng rất khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tài sản đối với các ngư dân. Bởi mỗi tàu cá vỏ thép có giá khoảng 15 - 20 tỷ đồng. Với 5% vốn đối ứng theo yêu cầu từ phía ngân hàng cũng đã lên đến tiền tỷ. Đấy là còn chưa kể có những ngân hàng yêu cầu ngư dân phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn.
Trao đổi với Báo Giao thông, chủ tàu Đồng Văn Duy ở Kiến Thụy, Hải Phòng cho biết, để đóng mới con tàu cá vỏ thép, gia đình phải bỏ vốn đối ứng hơn 900 triệu đồng. Đây cũng là số tiền lớn phải đi vay mượn từ nhiều nguồn mới có được. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm vay vốn để đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ. Tất nhiên khi chuyển sang tàu cá vỏ thép, chúng tôi phải mất thời gian làm quen thiết bị mới, cập nhật cách quản lý, vận hành tàu.
Theo chủ tàu cá vỏ thép Nguyễn Văn Hải, đến tháng 3 năm sau mới bắt đầu phải trả tiền cho ngân hàng. Với mức vay khoảng 16,5 tỷ đồng trả trong 10 năm và mức lãi suất quy định như vậy, mỗi năm phải trả khoảng hơn 1,7 tỷ đồng cả gốc và lãi. Với số vốn vay lớn, buộc phải tính toán kỹ lưỡng làm sao hoạt động cho hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận