Cầu vượt Dầu Giây chậm tiến độ vì “đói vốn”
Nút giao thông ngã tư Dầu Giây kết nối QL20-QL1 đoạn qua Đồng Nai sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm đen” giao thông trên QL1 qua đoạn này. Tuy nhiên, đến nay, công trình đang khá ngổn ngang vì thiếu vốn.
Dự án được khởi công vào đầu tháng 2/2017, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2018. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ hạng mục là gần 299 tỷ đồng, từ nguồn vốn dư thuộc dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc.
Dự án nút giao Dầu Giây có hạng mục chính là xây dựng cầu vượt dọc theo QL1, mặt cắt ngang cầu là 16m với 4 làn xe cơ giới. Phần nút giao được mở rộng cả trên QL1 và QL20. Ngoài ra, một đoạn QL20 dài 1,5km được mở rộng từ nút giao Dầu Giây về hướng Đà Lạt.
Clip: Công nhân hối hả thi công trên cầu vượt Dầu Giây
Ghi nhận trên công trường, nhà thầu đã huy động nhiều thiết bị máy móc, đơn vị bảo trì đã dặm vá ổ gà tại các vị trí mặt đường xuống cấp. Trên cầu vượt nhiều công nhân đang triển khai thi công các hạng mục bó vỉa hè, lan can cầu.
Do đó, mặt đường bị thu hẹp để phục vụ công tác thi công các loại xe ô tô, container, cùng xe máy lưu thông hỗn hợp đổ dồn về ngã tư này nên giao thông rất phức tạp.
Ông Nguyễn Minh Hùng - Chỉ huy trưởng công trường (nhà thầu Đông Mê Kông) cho biết, đến nay nhà thầu đã hoàn thành thi công cầu Gia Đức, các hạng mục thoát nước và mở rộng 1,5km trên QL20 (đoạn từ cầu Gia Đức đến nút giao).
Hiện đã thi công hoàn thành các trụ T1 đến T6 hạng mục cầu vượt Dầu Giây. Riêng các trụ còn lại (trên QL1 hướng về TP.HCM) chưa được triển khai thi công do đang chờ bố trí nguồn vốn.
Nguyên nhân chính là do đến cuối tháng 8/2020 nhà thầu mới được bàn giao mặt bằng sạch. Ngoài ra, nguồn vốn bố trí thi công các hạng mục cầu vượt chưa được kịp thời dẫn đến việc triển khai thi công gặp nhiều khó khăn.
“Nhà thầu đang tập kết thiết bị máy móc trong tháng 12 sẽ hoàn thiện các nhánh rẽ để đảm bảo ATGT dịp lễ, Tết”, ông Hùng nói.
Địa phương đề xuất “ứng vốn” giải cứu cầu vượt Dầu Giây
Ông Hoàng Văn Mậu, TGĐ Công ty BT20 - Cửu Long (chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án chậm tiến độ do thiếu vốn khi kinh phí giải phóng mặt bằng bị đội lên. Theo ông Mậu, kinh phí duyệt công tác GPMB là 17 tỷ đồng sau đó bị đội vốn lên 134 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Hiện nhà đầu tư đang chờ Bộ Tài chính giải ngân số vốn 198 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và lợi nhuận nhà đầu tư giai đoạn 1 dự BT QL20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc. Nhà thầu thi công đang huy động vốn tự có để có thể thi công hoàn thiện phần cầu chính cầu vượt Dầu Giây trước Tết Nguyên đán 2021.
“Chúng tôi đã chỉ đạo nhà thầu và đơn vị duy tu bảo trì thực hiện công tác đảm bảo ATGT trên phạm vi công trường, đặc biệt trong những ngày cao điểm dịp Tết 2021”, ông Mậu nói.
Ông Trần Văn Vĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết vừa qua UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư sớm hoàn thành hạng mục nút giao Dầu Giây đưa vào sử dụng, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Yêu cầu nhà thầu bổ sung biển báo, đèn báo hiệu công trường… dặm vá ổ gà đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua khu vực.
“Trường hợp nhà đầu tư không thể cân đối nguồn vốn để hoàn thành hạng mục nút giao Dầu Giây, UBND sẽ tỉnh kiến nghị Bộ GTVT có văn bản đề xuất tỉnh Đồng Nai tạm ứng từ nguồn vốn ngân sách để nhà đầu tư thi công hoàn thiện”, ông Vĩnh cho hay.
Ông Hồ Xuân Thắng - Phó trưởng phòng Dự án 1 (Ban QLDA 7) cho biết, để đảm bảo ATGT, đã yêu cầu nhà đầu tư thuê một đơn vị thi công thuộc Công ty Cổ phần 715 để sửa chữa các hư hỏng tạm thời, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
“Về công tác thi công cầu chính chúng tôi cố gắng yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện phần hạ bộ các mố trụ còn lại của cầu vượt trước Tết Nguyên đán 2021”, ông Thắng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận