Ngày 9/12, theo tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, đối với cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đã giao nhiệm vụ triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các địa phương.
Đến nay các huyện Xuân Lộc, huyện Định Quán, Thống Nhất và Tân Phú đang hoàn chỉnh hồ sơ tiểu dự án để trình thẩm định, phê duyệt.
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đi qua địa bàn bốn huyện trên, để triển khai dự án, ngành chức năng cần thu hồi gần 380ha đất, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.450 tỷ đồng.
Trong đó đoạn qua địa bàn huyện Tân Phú dài hơn 18km, cần thu hồi hơn 120ha đất của một số tổ chức và 85 hộ dân. Trong đó, có 60 hộ phải bố trí tái định cư, huyện Tân Phú cũng đã lên phương án xây dựng khu tái định cư với diện tích 11ha để bố trí chỗ ở cho người dân nhường đất xây dựng cao tốc.
Ông Phạm Duy Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết để làm cao tốc, huyện Tân Phú thu hồi nhiều đất phục vụ cao tốc nhưng hầu hết là đất nông nghiệp, số hộ cần bố trí tái định cư ít.
Huyện đã có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, tới đây, ngay khi nhận bàn giao cọc giải phóng mặt bằng chính quyền Tân Phú sẽ lập tức kiểm kê đất đai, tài sản, thu hồi đất phục vụ dự án.
Còn cao tốc qua địa bàn huyện Thống Nhất có chiều dài gần 16km, cần thu hồi khoảng 95ha đất nhưng đều là đất nông nghiệp, đất cao su, đất công nên huyện Thống Nhất không phải bố trí tái định cư. Huyện này đã chuẩn bị mỏ vật liệu phục vụ cao tốc để sẵn sàng khi triển khai dự án.
Riêng các huyện Định Quán, Xuân Lộc cũng đều đã sẵn sàng mọi công tác cho dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.
Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) của Bộ GTVT, dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuyến cao tốc này có điểm đầu tại Km 0+000, khu vực nút giao với quốc lộ 1 kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất; điểm cuối tại Km 60+243,83 (cuối nút phạm vi giao với quốc lộ 20), kết nối với đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng gồm vốn do nhà đầu tư huy động gần 7.700 tỷ đồng và vốn của nhà nước 1.300 tỷ đồng.
Trong phương án được duyệt, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú cũng được đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ tại Km40, quy mô 3ha mỗi bên. Chi phí giải phóng mặt bằng để xây dựng trạm dừng nghỉ được tính trong tổng mức đầu tư dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận