Đông Nam Á là nơi được dự đoán có sự chuyển dịch việc làm nhiều nhất trong 10 năm tới. Nhiều cơ hội việc làm sẽ đến với những ngành nghề liên quan tới những mánh khóe khai thác sự giàu có đang lên của khu vực và nhu cầu về sản phẩm công nghệ cũng như trải nghiệm của người dân tại đây.
Ngành bán lẻ lên ngôi
Các dự báo từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng, trong 4 năm tới, 75 triệu việc làm sẽ bị thay thế hoàn toàn và 133 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trên toàn cầu do kết quả của các phát triển mang tính bứt phá về công nghệ.
Trong đó, Đông Nam Á - nơi đang có sự phát triển mạnh mẽ từ các ngành nghề nông nghiệp sang dịch vụ trong vài năm tới, sẽ cho thấy sự chuyển dịch nghề nghiệp rõ rệt và năng động nhất.
Báo cáo mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Oxford Economics và hãng công nghệ Cisco của Mỹ cho thấy, sự chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp có thể dẫn đến việc thay đổi 28 triệu việc làm toàn thời gian tại 6 nền kinh tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Lượng việc làm này tương đương với khoảng 10% tổng dân số trong độ tuổi lao động của tất cả các nước nêu trên cộng lại.
Cụ thể, những ngành được dự báo sẽ bùng nổ về số lượng việc làm mới trong thập kỷ tới là bán lẻ (1,8 triệu việc làm), sản xuất (0,9 triệu việc làm), xây dựng (0,9 triệu việc làm) và vận tải (0,7 triệu việc làm).
“Khi công nghệ mới được ứng dụng, năng suất lao động tăng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy giảm giá hàng hóa, dịch vụ. Từ đó, nhu cầu chi tiêu cũng tăng với thu nhập khả dụng tăng lên. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và tạo việc làm mới”, ông Naveen Menon, Chủ tịch Cisco khu vực Đông Nam Á giải thích.
Do phần lớn những ngành này đều cần nhiều kỹ năng và thường xuyên tiếp xúc khách hàng, để tận dụng tốt cơ hội việc làm mới, người lao động nên tìm cách bổ sung các kỹ năng mới sớm nhất có thể. Theo ông Menon, mọi người cần kết hợp giữa đào tạo chuyên môn với trau dồi các kỹ năng mềm như giao tiếp và tư duy phản biện.
Tất nhiên, giới chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, trong cuộc chuyển đổi tiềm năng như vậy, bên cạnh nhiều việc làm mới ra đời tại những ngành đang phát triển, có khoảng 6,6 triệu người mất việc làm do thiếu các kỹ năng cần thiết để chuyển sang các vị trí khác.
Còn xét theo các mối quan hệ địa chính trị, các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về một nước Mỹ không thể đoán định dưới thời Chính quyền Trump và một Trung Quốc quyết đoán hơn dưới thời Tập Cận Bình. Theo đó, các doanh nghiệp toàn cầu sẽ cân nhắc nhiều hơn tới sự đa dạng hóa sản xuất, đem công xưởng của họ ra ngoài Trung Quốc, trong đó có sự chuyển dịch một số nhà máy sang các nước Đông Nam Á (do tại đây có chi phí sản xuất thấp) để tránh các đòn thuế mà Hoa Kỳ áp sang sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc).
Công nghệ là nhân tố chính thúc đẩy chuyển dịch
Bên cạnh đó, công nghệ tự động hóa đang phát triển và được ứng dụng sâu rộng trong lĩnh vực nông nghiệp và trong các công việc trước đó từng đòi hỏi nhiều sức lao động như vệ sinh, điều khiển máy, lao động sắp đặt, việc làm trong các trung tâm, tổ hợp thương mại. Điều này sẽ khiến các lao động phổ thông ở các ngành nghề trên tại các nước Đông Nam Á, khu vực vốn phụ thuộc nhiều vào ngành nông nghiệp lâu đời, công nghiệp chậm phát triển sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ.
Theo báo cáo trên, riêng lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn chiếm tới 76 triệu việc làm tại 6 nền kinh tế hàng đầu trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, 25 triệu người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm ở các công việc phổ thông và dễ bị thay thế bởi công nghệ tự động hóa.
Còn nếu xét khu vực, Indonesia, quốc gia đông dân nhất vùng, dự báo sẽ phải gánh chịu tỷ lệ dịch chuyển việc làm lớn nhất. Với 9,5 triệu việc làm bị chuyển đổi trong giai đoạn từ 2018-2028, Indonesia xếp trên Việt Nam (7,5 triệu việc làm) và Thái Lan (4,9 triệu việc làm) về lực lượng lao động nông nghiệp tay nghề thấp.
Tuy nhiên, dự báo ở mức tương đối, Singapore, với dân số tương đối thấp (5,8 triệu người tính đến tháng 12/2018), dự kiến sẽ cảm nhận rõ rệt tác động của sự đột phá công nghệ. Đất nước này được dự báo sẽ chứng kiến tỷ lệ 21% công việc toàn thời gian bị chuyển đổi trong thập kỷ tới.
Nguyên nhân được Chủ tịch Cisco khu vực Đông Nam Á chỉ ra là vì đảo quốc Singapore đã bước chân vào “lằn ranh của tiến bộ công nghệ” và các doanh nghiệp nhờ vậy có thể sẵn sàng áp dụng các cải tiến mới và điều chỉnh các quy trình thay vì mất thêm nhiều thời gian để “bắt kịp công nghệ” nhưng các nước còn lại trong khu vực.
Theo ông Menon, dù có lực lượng lao động tay nghề cao, Singapore vẫn phải đối diện với thách thức kỹ năng lớn nhất, vì phần lớn các công việc mới được tạo ra trong vòng 1 thập kỷ tới sẽ đòi hỏi chuyên môn và kỹ năng quản lý cao hơn.
Tuy nhiên, ông Menon vẫn lạc quan trước tình hình việc làm tại khu vực Đông Nam Á, nơi có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới. “Kết quả của sự thay đổi này là người lao động tại ASEAN sẽ có việc làm tạo giá trị thặng dư cao hơn và hài lòng hơn so với hiện nay”, ông Menon nói và nhận định sẽ có những hiệu ứng dây chuyền rộng hơn nữa tại Đông Nam Á và việc chuyển dịch này sẽ giúp duy trì tăng trưởng dài hạn cho khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận