Ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ tờ mờ sáng, hàng nghìn người dân, du khách thập phương ở khắp nơi đổ về chân núi Nưa (thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bắt đầu cuộc hành trình vượt qua những khúc quanh cua bên sườn núi với chiều dài khoảng 3km để đến khu vực diễn ra lễ khai hội đền Nưa - Am Tiêm.
Ngoài việc thắp hương trong đền Nưa - Am Tiên, du khách còn được hành hương khoảng 100m tới huyệt thiêng hay gọi là huyệt khí dương trên đỉnh núi Nưa.
Theo cách gọi của các nhà phong thủy, nơi đây là điểm hội tụ giao hòa của đất và trời (hay nơi mở cửa trời), tất cả linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Vị trí huyệt đạo thiêng là một khoảng đất rộng, được rào chắn kỹ lưỡng, bán kính khoảng 21m. Còn theo tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, huyệt đạo trên đỉnh núi Nưa là một trong những huyệt khí rất linh thiêng.
Khi đến khu vực cổng trời, người dân và du khách đi xung quanh thành hình tròn. Quan niệm dân gian nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng sẽ cầu được mạnh khỏe, may mắn, bình an, hạnh phúc, đủ đầy...
Dòng người hành hương, đi xung quanh huyệt đạo trên đỉnh núi Nưa trong ngày mở cổng trời.
Được biết, năm 2009, quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh núi Nưa gồm: Núi Nưa, đền Nưa - Am Tiên đã được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp quốc gia.
Đền Am Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa ở độ cao 538 m so với mực nước biển. Quần thể di tích bao gồm "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên", với tổng diện tích 100 ha, riêng khu vực đền Am Tiên là 4 ha, là nơi gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống quân Ngô xâm lược năm 248 trước Công nguyên.
Sau khi nữ tướng Triệu Thị Trinh mất, đền Am Tiên vừa thờ Bà Chúa Thượng Ngàn vừa là nơi để nhân dân thờ cúng, tưởng nhớ công ơn Bà Triệu.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận trong sáng mùng 9 tháng Giêng:
Từ bãi xe, người dân có thể đi bộ hoặc sử dụng dịch vụ xe điện với giá 10.000 đồng/người/lượt để lên/xuống đền với cự ly khoảng hơn 500m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận