Lần đầu tiên sau 16 năm, Không quân Mỹ lặng lẽ cho rút hết máy bay ném bom chiến lược khỏi đảo Guam ở phía tây Thái Bình Dương.
Từ năm 2004, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho triển khai các máy bay ném bom hạng nặng tại căn cứ ở Guam, luôn duy trì một phi đội máy bay ném bom chiến lược trên hòn đảo này.
Tuy nhiên, ngày 17/4 vừa qua đánh đánh dấu một động thái bất thường khi lần đầu tiên trong 16 năm qua không có bất kỳ chiến đấu cơ nào loại này hiện diện tại Guam.
Truyền thông Nga dẫn dữ liệu từ một trang web chuyên theo dõi các hoạt động hàng không (AircraftSpots) cho biết, toàn bộ 5 máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ đã rời khỏi hòn đảo phía tây Thái Bình Dương, nhưng không có phương tiện tương ứng nào đến thay thế.
Ngoài B-52, Không quân Mỹ từng điều các máy bay ném bom B-1B Lancers và B-2 Spirit trực chiến tại Guam. Trong đó, tàng hình cơ ném bom B-2 Spirit có thể mang theo vũ khí hạt nhân giống như máy bay ném bom B-52.
Động thái mới được cho là bất thường bởi các máy bay B-52 cũng vừa tham gia một màn phô diễn sức mạnh với tên gọi là “Voi đi bộ” trên đường băng một căn cứ không quân quân của Mỹ ở Guam ngay trong đầu tuần này.
Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ lên tiếng
Theo Người phát ngôn của Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM), các máy bay ném bom của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương từ một loạt các địa điểm hải ngoại rộng lớn hơn theo thời điểm và cường độ do chúng tôi lựa chọn.
Trong khi đó, theo một số bình luận, việc chuyển các máy bay ném bom ra khỏi đảo Guam phù hợp với chiến lược phòng thủ quốc gia mới của Hoa Kỳ. Rất có thể số oanh tạc cơ nói trên đã được điều đến khu vực Đông Bắc Á.
Đảo Guam nằm ở vị trí chiến lược, cách bán đảo Triều Tiên một quãng bay ngắn. Đảo này cũng gần các điểm nóng tiềm tàng ở Đông Á. Guam cách Seoul 3.200km về phía Tây Bắc, Tokyo 2.400km về phía Bắc và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) 2.700km về phía Tây.
Guam này là tiền đồn quân sự vô cùng quan trọng của Hoa Kỳ, bao gồm 2 căn cứ quân sự chính là căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Guam. Căn cứ Hải quân Guam, ở phía Nam là nơi đồn trú của 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh.
Trong khi đó căn cứ không quân Andersen ở phía Bắc là nơi đóng quân của một phi đội trực thăng hải quân và các máy bay ném bom không quân luân phiên tới Guam từ các căn cứ ở đại lục Mỹ.
Căn cứ không quân Andersen có 2 đường băng dài 3km với nhiều kho lớn tích trữ đạn dược và nhiên liệu.
Hiện tại, 7.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân ở Guam. Hầu hết là lực lượng của hải quân và phi công trực thuộc. Bộ Quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch điều hàng nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa ở miền nam Nhật Bản tới Guam.
Mỹ trang bị rất nhiều khí tài hiện đại trên đảo Guam, bao gồm hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân, tàu chiến, máy bay ném bom B-1B Lancer, có khả năng tấn công và tiêu diệt các bệ phóng tên lửa ngầm của các đối thủ tiềm tàng và hàng ngàn tấn thuốc nổ và đạn dược dự trữ khác
Nhà của lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược
Căn cứ không Andersen là nơi đóng quân và hoạt động thường xuyên của bộ ba máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1B và B-2 Spirit.
Ngoài máy bay ném bom, tại Guam còn có các đơn vị máy bay tiêm kích F-16 có nhiệm vụ hộ tống các oanh tạc cơ. Các máy bay của Mỹ triển khai trên đảo Guam được xem là một trong những lực lượng răn đe hạt nhân của Mỹ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.
Phần lớn diện tích đảo Guam do quân đội Mỹ kiểm soát, nơi đây được trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cho phép phát hiện, đánh chặn các tên lửa đạn đạo từ nhiều hướng.
Một phi công Mỹ được báo Sputnik dẫn lời cho hay, Guam một trong những căn cứ chiến lược quan trọng nhất của Mỹ trên thế giới. “Mọi người sẽ dồn ánh mắt vào Guam, nơi mà thậm chí không thể tìm thấy nó trên bản đồ. Nhưng đó là một căn cứ quan trọng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận