Góc nhìn

Động thái của Mỹ khiến Indonesia muốn gia nhập CPTPP

30/06/2018, 08:35

Nếu trước kia Indonesia hờ hững với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì mới đây Phó tổng thống Indonesia...

32

CPTPP cung cấp những điều kiện khá hấp dẫn về thương mại

Nếu trước kia Indonesia hờ hững với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì mới đây Phó tổng thống Indonesia bỏ ngỏ khả năng Indonesia sẽ tham gia vào thỏa thuận này kể cả trường hợp Mỹ đã rút lui.

Bất ngờ thay đổi thái độ

Trong bài phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai châu Á, Phó tổng thống Jusuf Kalla tiết lộ, Indonesia đang tái đánh giá lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cũng theo ông Kalla, Indonesia đang nghiên cứu các điều kiện và khả năng để gia nhập thỏa thuận.

Phát ngôn của ông Kalla cho thấy thái độ khá dè chừng, cảnh giác của Chính phủ Indonesia với hiệp định trên.

Trước đó, Phó tổng thống Indonesia từng tỏ thái độ nghi ngờ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm ngoái. Lúc đó, ông Kalla cho rằng, những lợi ích của TPP không còn to lớn và Indonesia không còn quá hào hứng với TPP.

Vậy, tại sao bỗng nhiên Indonesia thay đổi thái độ? Câu trả lời có thể là do 13 tháng sau khi TPP được ký kết với tên gọi khác là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), môi trường kinh tế toàn cầu đã thay đổi rất khác.

Chính quyền Mỹ nâng thuế nhôm và sắt đẩy toàn cầu đến bờ vực chiến tranh thương mại. Indonesia và nhiều nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) có thể bị tổn hại giữa màn “đấu đá lẫn nhau” của các cường quốc.

Các cuộc đàm phán tiến tới Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vốn được coi là hành động đối đáp của Trung Quốc với TPP khi đó đang ở thế bế tắc. Cuộc đàm phán về thỏa thuận với sự tham gia của 16 nước kể cả Indonesia dự kiến kết thúc vào năm 2017 vừa qua. Tuy nhiên, vòng đàm phán thứ 21 lại mới bắt đầu từ tháng 2/2018.

Trong bối cảnh RCEP không biết bao giờ hoàn thành và chiến tranh thương mại đang cận kề, Indonesia cần được đảm bảo về an ninh thương mại và họ tìm đến TPP.

CPTPP có là “hang trú ẩn an toàn” cho Indonesia?

CPTPP cung cấp những điều kiện khá hấp dẫn về thương mại, trong đó cho phép 11 nước thành viên được phá bỏ rào cản thuế. Trong thế giới đang nghiêng ngả vì chiến tranh thương mại do thuế quan của Mỹ, điều kiện này của CPTPP sẽ bảo vệ xuất khẩu của Indonesia.

Đồng thời, gần đây, ông Donald Trump cũng bỏ ngỏ khả năng có thể đưa Mỹ tái gia nhập thỏa thuận TPP nguyên thủy. Giới chức kinh tế Nhà Trắng đang tìm kiếm các cuộc đàm phán mở rộng về việc này. Nếu có Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới tham gia, CPTPP sẽ hấp dẫn với Indonesia hơn bao giờ hết.

Trong trường hợp Mỹ quay lại với TPP, Trung Quốc có thể sử dụng thỏa thuận này để tránh né thuế Mỹ. Bắc Kinh có thể đưa các nguyên vật liệu đến các nước thành viên trong CPTPP, tận dụng nhà máy tại các quốc gia thứ 3 để đưa sản phẩm cuối cùng đến Mỹ.

Nếu Indonesia là một phần của TPP, nó sẽ giữ vị trí quan trọng với vai trò là bên trung gian, chuyển nguyên liệu thô của Trung Quốc thành các sản phẩm xuất sang thị trường Mỹ.

Từ đó, chính quyền ông Wiodo sẽ nhận được thêm đầu tư nước ngoài cho các dự án hạ tầng. Indonesia đang cần đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào các dự án hạ tầng quy mô lớn của ông Widodo và TPP có thể giúp thúc đẩy FDI.

Có mặt trong CPTPP là “tem đảm bảo” của Indonesia cho các nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề bảo vệ và ưu đãi thuế quan. Ngoài ra, thỏa thuận xuyên Thái Bình Dương này còn bao gồm giải quyết tranh chấp đầu tư và điều này cũng tạo thêm sự tự tin cho TPP.

Chưa có gì đảm bảo chắc chắn

Lợi ích vạch ra là như vậy nhưng chưa rõ có thực tế hay không. Mỹ vẫn chưa nhận được “đèn xanh” để quay lại thỏa thuận TPP. Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ tái gia nhập nếu có thể đảm bảo thỏa thuận lần này tốt hơn trước đó nhưng điều này khó có thể xảy ra. Nếu không có Mỹ, TPP không có gì hấp dẫn Indonesia hơn so với trước đó.

Bên cạnh đó, Jakarta cũng phải đối mặt với nhiều hạn chế khác nếu gia nhập TPP như phải hy sinh nhiều vấn đề.

Chẳng hạn, TPP đã ra những luật mới cho các nước trong hiệp ước về quy định cấp phép, quy trình chính sách của chính phủ, các công ty doanh nghiệp nhà nước và quyền sở hữu trí tuệ, nhượng bộ nhiều quyền lực cho các công ty quốc tế.

Trong khi đó, chưa có bất cứ đảm bảo nào rằng, việc gia nhập thỏa thuận sẽ thúc đẩy thương mại Indonesia. Tăng trưởng xuất khẩu của Jakarta không chỉ gặp trở ngại vì vấn đề tiếp cận thị trường mà còn do chi phí sản xuất cao, thiếu cạnh tranh. Trong khi, thỏa thuận TPP không thể giải quyết những chướng ngại trên.

Chưa kể, lúc này còn quá sớm để khẳng định cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tới Indonesia như thế nào.

Trước khi gia nhập TPP, Indonesia cần phải tìm hiểu rõ ảnh hưởng mà họ phải chịu từ các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu xuất khẩu của nước này không bị ảnh hưởng, họ có thể chưa cần vội vàng gia nhập TPP.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.