Trung Quốc đang tìm cách đăng ký Con đường tơ lụa hàng hải với Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO với cái cớ là bảo vệ các địa điểm khảo cổ ở Biển Đông.
Theo Vương Nhất Bình - quan chức đứng đầu về di tích văn hóa tỉnh Hải Nam, xác các tàu đắm xung quanh đảo Shanhu và Jinyin ở quần đảo Xisha (theo cách Trung Quốc gọi đảo Hoàng Sa và đảo Quang Ảnh của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ được khai quật khảo cổ trong 2 năm tới.
Theo ông Vương, các vật liệu xây dựng bằng đá và chạm khắc niên đại nhà Thanh được phát hiện ở nơi này. Tam Sa, cái gọi là “thành phố” do Trung Quốc đơn phương thiết lập trái phép năm 2012, đã có chương trình bảo tồn trên đảo Ganquan và Beijiao (đảo Hữu Nhật và đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa) từ đầu năm 2014.
Một nhà khảo cố được cho là đang thăm dò một chiếc tàu bị chìm ở Biển Đông. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành các cuộc khảo cổ trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và hiện mở rộng việc này xuống phía Nam tới quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Một “cơ sở khảo cổ học dưới nước, một trạm làm việc và bảo tàng liên quan tới biển Đông đều được lên kế hoạch nhằm bảo vệ Con đường tơ lụa trên biển và giành được vị trí trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO” – ông Vương nói.
Trước đó, giáo sư Carl Thayer thuộc trường ĐH New South Wales – Úc cảnh báo về bộ phim tài liệu Hành trình trên biển Đổng, phát sóng trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cuối năm ngoái. Theo ông Thayer, phim tài liệu không chỉ nhắm đến khán giả Trung Quốc mà còn có tác dụng như lời cảnh cáo đối với các nước có tranh chấp ở biển Đông. Ông nói thêm phim tài liệu gửi một thông điệp hung hăng đến các bên tranh chấp rằng Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh cơ bắp chẳng hạn như cho đâm tàu để củng cố “quyền chủ quyền” của họ.
Theo H.Bình (Người lao động/ GMA News, Want China Times)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận