Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Phó Chù tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cùng các khách mời khởi công dự án |
Gói thầu số 4 thuộc tiểu dự án xây dựng hoàn thành nút giao Trung Hòa, dự án xây dựng đường vành đai 3, giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - Bắc Linh Đàm.
Theo ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án), kinh phí mở rộng xây dựng hoàn chỉnh nút giao Trung Hòa lấy từ nguồn vốn dư còn lại của dự án xây dựng giai đoạn 2, đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch -Bắc hồ Linh Đàm với khoản vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là 689,5 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ khởi công sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đây là nút giao quan trọng nối Đại lộ Thăng Long với đường Trần Duy Hưng. Trong nhiều năm qua, nhân dân thủ đô và Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ GTVT xây dựng hệ thống hạ tầng thủ đô khang trang hiện đại như hiện nay.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cám ơn Bộ GTVT đã quan tâm đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình giao thông quan trọng của Hà Nội thời gian qua |
Ông Hùng thay mặt chính quyền và nhân dân Hà Nội cảm ơn Bộ GTVT và cá nhân Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có sự quan tâm, đầu tư xây dựng cũng như có những chỉ đạo kịp thời thúc đẩy nhiều dự án giao thông quan trọng trên địa bàn Thành phố, góp phần tạo ra sự tăng trưởng và thay đổi diện mạo của Thủ đô.
Theo ông Hùng, trong thời gian tới sẽ có rất nhiều công trình trọng điểm, trụ sở các cơ quan của Đảng, Chính phủ và các bộ ngành được chuyển về khu vực phía Tây. Do vậy, việc xây dựng nút giao này cảng trở nên quan trọng và cấp thiết.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, để trục phía Tây được thông thoáng hơn, Bộ GTVT đã cho xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng đồng thời xén giải phân cách đường Trần Duy Hưng, tăng chiều rộng mặt cắt đường.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị các nhà thầu phấn đấu rút ngắn tiến độ thực hiện dự án. |
Tại lễ động thổ dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết từ nguồn vốn dư của dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 2, Bộ GTVT đã đề xuất và Chính phủ đã đồng ý cho triển khai tiếp dự án nút giao QL5, nút giao hầm chui Thanh Xuân và tiếp tục xây dựng hầm chui nút giao Trung Hòa.
Quá trình xây dựng nút giao sẽ phức tạp do vừa phải thi công vừa đảm bảo giao thông, để đảm bảo tiến độ, chất lượng và ATGT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu quận Cầu Giấy và Công an TP.Hà Nội phân luồng tuyến an toàn. Sau Tết âm lịch, nút giao sẽ được thi công.
“Liên danh nhà thầu Cienco 4 và HANSHIN cần phối hợp với chính quyền địa phương có dự án đi qua để đảm bảo an toàn lao động, tận dụng thời tiết để rút ngắn thời gian thi công từ 18 tháng xuống còn 13 tháng nhằm tiết kiệm chi phí”- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu.
Nút giao Trung Hòa nằm tại điểm đầu Đại lộ Thăng Long và điểm cuối của đường Trần Duy Hưng, giao cắt giữa đường Vành đai 3 với Đại lộ Thăng Long, thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Phạm vi dự án theo hướng Đại lộ Thăng Long - đường Trần Duy Hưng từ Km3+382 đến Km 1+328 (ngã tư Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám) theo lý trình Đại lộ Thăng Long. Theo hướng đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến từ Km22+905,380 đến km 23+634,16, vị trí kết thúc đường nhánh dẫn lên xuống cầu cạn, theo lý trình đường Vành đai 3. Quy mô dự án bao gồm xây dựng 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long - đường Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám. Mỗi hầm có 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. Chiều dài phần hầm kín, hầm hở và đường dẫn vào hầm khoảng 691,8m (trong đó hầm kín dài 120m, hầm hở dài 488m, đường dẫn vào hầm dài 83,8m). Kết cấu móng hầm được sử dụng bao gồm: kết cấu móng cọc khoan nhồi, kết cấu móng cọc bê tông cốt thép, kết cấu móng nông được gia cố nền bằng cọc đất gia cố xi măng thi công theo công nghệ khoan phụt cao áp. Theo đánh giá, đây là đầu mối giao thông quan trọng nhất của Đại lộ Thăng Long nối với đường Vành đai 3 và đường Trần Duy Hưng. Nút giao này có tính chất kết nối giữa Trung tâm thủ đô Hà Nội với khu vực phía Tây của Thành phố và qua các nút giao có các dòng xe từ các tuyến giao thông trục chính phía Đông Bắc như: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn đi qua đường Vành đai 3 lên khu công nghệ cao Hòa Lạc, đi Hòa Bình và ngược lại. |
Tiến Mạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận