Ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết, để đầu tư xây dựng quần thể biệt thự, trang trại trên khu đất 13.000 m2, gia đình ông đã vay ngân hàng gần 20 tỷ |
Phát biểu tại hội nghị giao ban thanh tra các bộ, ngành 6 tháng đầu năm 2017 tại Thanh tra Chính phủ chiều 5/7, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó chánh Thanh tra Bộ Công an đánh giá gần đây có nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến kê khai tài sản. Một trong những bất cập lớn nhất là cơ chế kiểm soát việc kê khai cũng như thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
“Từ việc này mới có chuyện nhiều người giải trình tài sản hình thành từ nuôi lợn nuôi gà”, Thiếu tướng Xuất nói thêm.
Dân có tin về những giải trình nuôi lợn, nuôi gà, chạy xe ôm, làm vườn, bán chổi đót tích lũy đủ tiền xây biệt phủ không?
Thật khó thuyết phục để có được lòng tin đó. Người kém toán nhất cũng có thể làm vài phép tính để biết nuôi lợn mấy trăm năm mới xây được một gia trang bằng biệt phủ của các quan chức Yên Bái, vậy thì nói ra điều đó chỉ thêm cho hổ thẹn với lòng mình.
Quan chức hay dân chúng làm giàu và giàu được thì quá đáng mừng và đáng khích lệ nhưng phải là đồng tiền chân chính, phải làm ra từ trí tuệ, khối óc, sức lực. Những chân dung quan chức giàu có mà báo chí, dư luận nêu tên không có dấu hiệu của sự liêm chính, càng nói ra những lời bao biện càng thể hiện sự mờ ám của đồng tiền. Có ai đi vay 20 tỉ đồng để xây biệt phủ không, vay thì lấy gì để trả lãi và trả vốn? Dư luận đang chờ kết quả thanh, kiểm tra về các khối tài sản đó, mong rằng, dân chúng sẽ không thất vọng về sự minh bạch của những con số.
Giàu có từ nuôi lợn, lái xe ôm có thể cho thấy sự dối trá của đồng tiền bất chính nhưng cũng có những sự dối trá được che giấu ở những hình thức khác cao sang hơn. Ví dụ, như bà thứ trưởng, bà phó bí thư tỉnh ủy vừa bị Ủy ban kiểm tra Trung ương công bố những kết luận sai phạm. Bằng những mánh lới khi có quyền lực, người ta đã biến con dấu của cơ quan Nhà nước thành con dấu của công ty tư nhân, biến công ty của Nhà nước thành công ty gia đình. Chồng làm sân sau cho vợ, con làm sân sau cho mẹ, anh chị em dòng họ được chia chác quyền lực và quyền lợi.
Với quyền lực trong tay, trị giá cổ phiếu mà bà thứ trưởng và gia đình sở hữu đã là 700 tỉ đồng, quyền đi liền với lợi thể hiện rõ ràng như vậy đấy.
Vậy thì vấn đề đặt ra là kiểm soát quyền lực và giám sát tài sản để phát hiện và ngăn chặn tham nhũng ngay từ đầu như thế nào. Không thể có chuyện bà Phó bí thư sai phạm như vậy mà ông Bí thư không hề hay biết, không thể có một người thao túng doanh nghiệp để trục lợi lại lên làm Thứ trưởng. Kê khai tài sản và xác minh chặt chẽ, minh bạch từ đầu thì làm sao có chuyện lợn gà, cổ phiếu về sau.
Hãy cứ học cách chống tham nhũng của các nước tiến bộ, hỏi cho ra nguồn gốc tài sản của từng người, kể cả cha mẹ, vợ con và anh em, truy tới cùng từng chứng từ nộp thuế để chứng minh thu nhập bằng đồng tiền sạch, như thế thì không có cửa cho lợn gà chui qua.
Nhưng nói vậy, cũng để thấy cần một việc cấp thiết hơn: Xây dựng cơ chế để người tài, người giỏi đủ sống, sống đàng hoàng, xứng đáng với cống hiến của họ trong bộ máy Nhà nước. Minh bạch phải bắt nguồn từ đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận