Chuyện dọc đường

Đồng tiền xương máu

23/04/2021, 06:21

Người phương Tây thường nói “miếng pho mát thường chỉ có trong bẫy chuột”. Những mối lợi dễ dàng đến với mình ắt hẳn tiềm ẩn những rủi ro.

img

Công an tỉnh Hà Tĩnh đánh sập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền cộng tác viên bán hàng online

Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa đánh sập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt giữ, triệu tập 100 đối tượng và thu hàng tỷ đồng.

Thông tin này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội ở Hà Tĩnh vì đây là chuyên án lừa đảo chiếm đoạn trên mạng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở tỉnh này.

Theo thống kê, tính riêng trong 6 tháng cuối năm 2020, đường dây này đã chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 3.000 bị hại bị lừa.

Phương thức hoạt động của băng nhóm tội phạm là lập các trang Fanpage bán hàng mỹ phẩm như: Son môi, mặt nạ dưỡng da, nước hoa... rồi thuê người chạy quảng cáo nhằm tăng lượt tương tác, tăng view trên Facebook.

Sau đó chúng tung ra thông tin rất hấp dẫn như: Cần tuyển 100 cộng tác viên (CTV) bán hàng trên phạm vi toàn quốc, lương mỗi tháng từ 10 - 15 triệu đồng. Công việc chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh do công ty cung cấp, khi khách có nhu cầu mua sản phẩm của công ty thì nhập hàng từ công ty về bán cho khách.

CTV chỉ cần đăng bài mỗi ngày, nếu không có khách sẽ được hưởng 50.000 đồng/ngày, còn nếu có khách được hưởng 100.000 đồng/ngày. Ngoài ra mỗi sản phẩm bán ra được hưởng chênh lệch 10 - 20%.

Sau đó, cũng chính bọn chúng sử dụng Facebook ảo, sim “rác” đóng giả làm người đặt mua hàng. Khi CTV nhập hàng về thì những người đặt mua hàng tự “bốc hơi”. CTV sẽ phải ôm lượng hàng hóa có giá trị thật chênh lệch từ 40 - 50 lần so với số tiền bỏ ra nhưng không thể sử dụng vì toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Chiêu bài này khá cao tay và đã dễ dàng làm hàng nghìn người “sập bẫy”.

Cách đây không lâu, vào giữa tháng 12/2019, Công an Hà Tĩnh cũng đã triệt phá một ổ nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền 30 tỷ đồng của 80 bị hại và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; khởi tố 24 đối tượng, thu giữ 1 máy tính, 350 triệu đồng cùng nhiều vật chứng...

Thủ đoạn của các băng nhóm tội phạm này chỉ đơn giản là dùng sim “rác” gọi điện thoại cho người bị hại tự xưng là nhân viên ngân hàng, bưu điện, nhà mạng và thậm chí là người của lực lượng chức năng… thông báo số thuê bao của người bị hại trúng thưởng một gói quà (trị giá hàng trăm triệu đồng bao gồm hiện vật là xe máy có giá trị lớn như SH, Air Blade… cùng với tiền mặt).

Để nhận được giải thưởng thì các đối tượng yêu cầu bị hại phải làm hồ sơ nhận thưởng bằng cách chuyển tiền với hình thức mua nhiều thẻ cào điện thoại có giá trị nhắn tin cho đối tượng hoặc chuyển tiền mặt…

Thực ra, loại tội phạm lợi dụng công nghệ để lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại không chỉ mới xảy ra ngày một ngày hai và cũng không chỉ ở Hà Tĩnh nhưng đáng tiếc vẫn có rất nhiều người bị lừa.

Theo thống kê, trong năm 2020, Bộ Công an đã phát hiện khoảng 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Thủ đoạn của loại tội phạm này phổ biến là giả mạo đầu số, số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân gây sức ép, yêu cầu khác nhau như phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp.

Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại.

Mở các trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc.

Kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản) tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư.

Giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản…

Đối tượng mà loại tội phạm này hướng tới là những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết; chưa có việc làm hoặc việc làm bấp bênh, thu nhập thấp nhưng mong ước đổi đời nhanh chóng.

Những người này đều có tâm lý tiếc tiền và e ngại. Khi bị lừa lần 1 muốn cứu vãn nên bị lừa sâu hơn và khi phát hiện cũng không dám tố cáo.

Hậu quả là nợ nần chồng chất, tan cửa nát nhà, người vướng vào lao lý, tù tội, người thì tìm đến cái chết để giải thoát…

Tội phạm công nghệ ngày càng diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thay đổi nhanh chóng. Mỗi cá nhân phải có ý thức và trình độ để bảo mật tài khoản cá nhân và tham vấn nhiều người trước khi tham gia những phi vụ hay công việc có lợi nhuận quá lớn.

Để không trở thành nạn nhân, cần phải tỉnh táo trước cái bẫy được giăng ra. Phải xác định không có đồng tiền nào là dễ kiếm, phải lao động, phải đổ mồ hôi, nước mắt và thậm chí là xương máu mới có cơm ăn, áo mặc.

Người phương Tây thường nói “miếng pho mát thường chỉ có trong bẫy chuột”. Những mối lợi dễ dàng đến với mình ắt hẳn tiềm ẩn những rủi ro.

Một điều quan trọng nữa là chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần truyền thông tốt hơn đến người dân, để họ không bị những kẻ xấu lợi dụng vì sự thiếu hiểu biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.