Bộ GTVT tiếp tục đứng đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước biến đổi nhanh, khó lường, đặt ra nhiều thách thức, ngành GTVT thực hiện khối lượng lớn nhiệm vụ quan trọng trong cùng một thời điểm trên phạm vi toàn quốc nên áp lực đặt ra rất lớn.
Song, với sự lãnh đạo tập trung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và sự nỗ lực của toàn ngành GTVT, sự đồng hành chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương, ngành GTVT đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước cũng như kết cấu hạ tầng GTVT.
Theo ông Phương, với vai trò cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch kế hoạch đầu tư công quốc gia, Bộ KH&ĐT luôn song hành phối hợp với Bộ GTVT để gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế, nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội các chính sách mới để phát triển ngành, tham mưu trình Chính phủ phân bổ, đảm bảo đủ nguồn cho các dự án lớn quan trọng quốc gia ngành GTVT, hoàn thiện thủ tục đầu tư sớm đưa vào khởi công khai thác cao tốc, sân bay, cảng biển quan trọng góp phần phát triển kinh tế.
Năm 2023, có 26 dự án khởi công mới trong đó có 6 dự án quan trọng quốc gia; 21 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong đó có 9 dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 475km nâng tổng số km cao tốc đưa vào khai thác trên 1.892km, góp phần thực hiện một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển KT- XH 10 năm.
Về quy hoạch, Bộ GTVT là một trong số các cơ quan hoàn thành 5 quy hoạch ngành quốc gia sớm nhất. Đây là tiền đề để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, là căn cứ để các địa phương hoàn thành quy hoạch tỉnh, thành phố. Đến nay, đã có 40 quy hoạch địa phương được phê duyệt, 19 địa phương hoàn thành báo cáo thẩm định, 4 địa phương đang xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch. Cơ bản các địa phương cập nhật đảm bảo đồng bộ với quy hoạch của ngành GTVT.
Ngoài ra, trong năm 2023, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhất cả nước - khoảng 95 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1/4 dự toán chi đầu tư phát triển của cả nước.
"Việc phân bổ toàn bộ số vốn ngay từ đầu năm thể hiện quyết tâm cao của Ban Cán sự Đảng ngành GTVT cũng như các đơn vị trong ngành. Đến nay, Bộ GTVT vẫn là đơn vị đứng đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến cả năm đạt trên 95% kế hoạch", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Đột phá chính sách, khơi thông nguồn lực
Theo ông Phương, năm 2023 còn là dấu mốc quan trọng trong xây dựng thể chế nhằm phát triển ngành GTVT. Có thể kể đến việc triển khai tích cực phân cấp cho địa phương làm chủ quản thực hiện 16 dự án cao tốc theo hình thức đầu tư công, góp phần sớm đưa vào khởi công một số tuyến cao tốc quan trọng quốc gia như: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; Biên Hòa – Vũng Tàu, Cao Lãnh - An Hữu.
Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94 nghìn tỷ đồng (gấp 1,7 lần so với năm 2022), cùng với số vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 nghìn tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả để điều hành giải ngân kế hoạch vốn. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ dự kiến đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 28/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết 16 về thí điểm một số chính sách đặc thù xây dựng đường bộ cao tốc, theo đó phân cấp cho địa phương thực hiện 7 dự án quốc lộ, cao tốc, giao một số địa phương làm chủ quản đầu tư 14 dự án qua các địa phương khác; Nâng tỉ lệ góp vốn của Nhà nước trong hai dự án PPP ngành GTVT lên 80%, được áp dụng chính sách đặc thù với khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường với 21 dự án.
"Đây là sự đột phá lớn về chính sách, góp phần khơi thông nguồn lực sử dụng hiệu quả tài nguyên, ưu tiên đầu tư tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông quốc gia hướng tới mục tiêu 5.000km đường cao tốc vào năm 2030", ông Phương nhìn nhận.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, năm 2024 Bộ GTVT cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện tốt phân cấp, phân quyền theo chủ trương của Đảng, nghị quyết Quốc hội, trong đó Bộ GTVT nên phát huy vai trò hỗ trợ phối hợp, tăng cường năng lực chuyên môn, kiểm tra giám sát các dự án được phân cấp cho địa phương, đảm bảo các dự án tuân thủ quy hoạch tiến độ chất lượng, tiêu chuẩn, kỹ thuật kết nối.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, chú trọng phương thức đầu tư đối tác công tư, huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án cảng hàng không, phương án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Phối hợp với Bộ KH&ĐT, cơ quan địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh các dự án trọng điểm kết nối liên vùng.
Đồng thời, cần rà soát ưu tiên đầu tư dự án theo quy mô phù hợp, chú trọng đầu tư mở rộng cao tốc theo quy mô hoàn chỉnh, hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ để phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận