Thu ngân sách địa phương tăng hơn 10 lần sau khi có cảng hàng không
Bên lề cuộc tọa đàm "Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm" do Bộ GTVT tổ chức gần đây, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn khẳng định: Nhìn từ thực tiễn Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thì có thể thấy được tính hiệu quả của việc đầu tư dự án sân bay trên địa bàn.
"Nếu như hơn chục năm trước, thu ngân sách của huyện đảo Vân Đồn chỉ đạt khoảng trên 130 tỷ đồng/năm, thì hiện nay, đã tăng hơn 10 lần", ông Sáu chia sẻ.
Một góc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn
Cùng với các dự án khác thì việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã tạo ra động lực lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương.Việc đưa sân bay vào hoạt động tại huyện đảo Vân Đồn cũng đã góp phần phát triển hàng loạt các dịch vụ vệ tinh khác.
Là người chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ của quê hương Vân Đồn từ khi có sân bay, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cùng nhiều công trình giao thông động lực khác, ông Lê Văn Biên ở thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết phấn khởi cho biết: Trước đây, Vân Đồn được biết đến là huyện đảo nghèo vì tiềm năng, lợi thế thì nhiều nhưng do giao thông cách trở, nên mọi thứ vẫn chỉ là … tiềm năng.
Thế rồi, mọi thứ đã thay đổi thực sự khi có sân bay, hệ thống cao tốc qua địa bàn. Cuộc sống của gia đình ông Biên cũng như đa phần người dân nơi đây cũng thay đổi hàng ngày khi đi lại thuận tiện, nông - lâm sản làm ra tiêu thụ được giá hơn, con cái trưởng thành đi học nghề và dễ xin vào các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ...
Tuyến cao tốc từ Hải Phòng qua TP Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái mới được đồng bộ đã tạo ra thế và lực mới cho Khu Kinh tế Vân Đồn
Được khởi công từ năm 2015 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có diện tích 325 ha với tổng mức đầu tư 7.463 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 734 tỷ. Dự án được khánh thành vào ngày 30/12/2018 với công suất 2,5 triệu khách/năm, giờ cao điểm có thể đón 1.250 người.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dự kiến khai thác các đường bay đến và đi từ các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) và Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia…). Tại thị trường trong nước, chủ đầu tư tập trung vào khu vực miền Trung và miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc.
Hành khách làm thủ tục tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn ở thời điểm dự án vừa đưa vào sử dụng
Việc đưa Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn vào hoạt động đã làm cho vị thế của tỉnh Quảng Ninh được nâng lên một tầm cao mới. Cảng hàng không này mang ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu một giai đoạn mới trong việc huy động vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông.
Bởi lẽ, kể từ năm 1975 đến nay, nếu không kể sân bay Phú Quốc được hoàn thành năm 2012 thay thế một sân bay cũ (xây từ thời Pháp), thì đây là cảng hàng không đầu tiên được xây mới hoàn toàn và do tư nhân bỏ tiền đầu tư xây dựng.
Sức lan tỏa của các công trình giao thông động lực
Thời gian qua, từ các nguồn lực, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng cho huyện đảo Vân Đồn hàng loạt các công trình mang tính động lực. Đó là dự án cao tốc kết nối Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Tỉnh lộ 334, các công trình giao thông phục vụ dân sinh trên các xã đảo…
Nhiều khu vực, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Vân Đồn được đầu tư đồng bộ, tạo sự kết nối chặt chẽ
Điển hình, 2 dự án được khánh thành, đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 59 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2022) là bến cảng cao cấp Ao Tiên và đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng (giai đoạn 2).
Dự án bến cảng cao cấp Ao Tiên khởi công từ tháng 4/2022, là cảng khách chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch tuyến Vân Đồn (huyện Vân Đồn đi các đảo) và các điểm tham quan trên Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long.
Bến cảng cao cấp Ao Tiên được đầu tư đồng bộ, hiện đại
Bến cảng được đầu tư xây dựng tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, có quy mô gần 30ha, đồng bộ, hiện đại, tích hợp nhiều tiện ích, thiết kế theo chủ đề không gian xanh. Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 610 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền làm chủ đầu tư.
Công trình được thiết kế 5 cầu cảng, 2 cầu rộng 20m, dài 150m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu.
Khu vực ga hành khách có diện tích sử dụng 8.000m2, công suất thiết kế 2.600.000 lượt khách/năm ở giai đoạn 2020-2025 và mở rộng lên 3.200.000 lượt khách/năm, giai đoạn 2025-2030; được tích hợp nhiều tiện ích, phân khu chức năng như đón hành khách, bán vé, nhà chờ, dịch vụ phụ trợ đi kèm...
Các hợp phần trong dự án được thiết kế đảm bảo hài hòa
Việc đưa bến cảng cao cấp Ao Tiên vào khai thác sẽ mở ra cửa ngõ mới, đồng bộ, hiện đại để trung tâm Vân Đồn kết nối với các xã đảo và huyện Cô Tô.
Bến cảng không chỉ là hạ tầng dịch vụ du lịch mới mà còn là nơi hội ngộ của các siêu du thuyền trong mỗi hành trình qua Vân Đồn nói riêng và khu vực miền Đông của tỉnh nói chung, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ của tỉnh trong thời gian tới.
Đại diện của chủ đầu tư Dự án bến cảng cao cấp Ao Tiên cho biết: Hiện nay, các hạng mục của công trình đã cơ bản hoàn thiện, chỉ trong thời gian ngắn nữa, cảng sẽ tổ chức vận hành…
Tuyến đường trục chính kết nối chặt chẽ khu vực đảo Cái Bầu, huyện Vân Đồn
Còn tuyến đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng có chiều dài 11km, điểm đầu từ cầu Vân Đồn đến tổ hợp Sonasea Vân Đồn đã hoàn tất đoạn đầu và cuối tuyến qua Khu đô thị Phương Đông và Khu đô thị Ao Tiên từ năm 2021. Riêng đoạn giữa tuyến qua thị trấn Cái Rồng tuy chỉ dài 2,1km, nhưng là điểm kết nối toàn tuyến, được triển khai từ tháng 5/2021, tổng vốn đầu tư gần 530 tỷ đồng.
Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với Khu kinh tế Vân Đồn khi được thiết kế bám sát các khu đô thị mới, phân khu chức năng. Việc đưa vào sử dụng, tuyến đường sẽ góp phần giảm tải cho tuyến tỉnh lộ 334, mở rộng không gian phát triển của Khu kinh tế; kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với các nút giao thông trọng điểm khác, giảm cự ly và rút ngắn thời gian đi lại cho nhân dân và du khách...
Một lãnh đạo huyện Vân Đồn nhận định: "2 dự án giao thông trọng điểm nêu trên của tỉnh Quảng Ninh gắn liền với chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn của địa phương; tạo ra bức tranh đồng bộ và toàn diện hơn về hệ thống giao thông trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn cả về đường bộ, đường hàng không và đường biển sau khi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Vân Đồn - Móng Cái và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã đưa vào khai thác…"
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận