Hạ tầng

Đột phá hạ tầng giao thông ngầm

27/03/2017, 13:08

Hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn, nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ là 2 dự án giao thông ngầm...

26

Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo sở, ngành động viên, đốc thúc tiến độ dự án hầm chui phía Tây cầu sông Hàn ngay sau Tết Nguyên đán 2017

Hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn, nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ là 2 dự án giao thông ngầm tiên phong trên địa bàn Đà Nẵng đang hối hả hoàn thiện, khởi đầu cho sự phát triển hạ tầng giao thông ngầm mang tầm nhìn chiến lược, giải pháp đột phá cho giao thông đô thị.

Điểm hẹn cán đích, đón APEC 2017

Đêm, công trường hầm chui phía Tây sông Hàn, nút giao thông ngầm đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương vẫn rực sáng ánh đèn. Hàng trăm công nhân, cùng trang thiết bị chuyên dụng hối hả trên từng nhịp điệu thi công. Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) cho hay: Nhà thầu tập trung một số hạng mục đường dẫn, hầm hở, tường chắn vào cao điểm hoàn thiện toàn bộ công trình. Trước đó, ngay từ cuối năm 2016, hầm kín đã hoàn thành. Mới đây, giữa tháng 3, hầm hở cán đích. Đơn vị kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng, đẩy nhanh thời gian hoàn thiện đúng dịp 29/3 đầy ý nghĩa và chuẩn bị chu đáo phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sắp tới.

Tại nút giao ngầm đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, các nhà thầu tăng ca, tăng kíp triển khai 24/24h thi công hạng mục chính hầm ngầm. Lãnh đạo BQL các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho hay: Người dân đồng thuận sớm bàn giao mặt bằng tạo thuận lợi công địa thi công. Nhà thầu tổ chức thi công hợp lý, đẩy tiến độ, kéo giảm thời gian thi công hoàn thiện từ 12 tháng xuống còn 9 tháng so với kế hoạch ban đầu và dự kiến hoàn thành công trình trước ngày 2/9.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: Công trình sớm hoàn thành sẽ cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường tại khu vực nút giao. Đồng thời, tạo cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho việc tổ chức hội nghị APEC 2017; Góp phần quảng bá hình ảnh TP với thế giới; Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng sớm đưa Đà Nẵng trở thành TP phát triển bền vững. Đáng kể, với nút giao ngầm Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ sẽ giảm xung đột giao thông, khi tuyến buýt nhanh BRT đưa vào hoạt động với 1 làn riêng…

27

Phối cảnh hầm chui nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. Hầm chui có dạng hình chữ Y với 3 hầm hở ở 3 nhánh và hầm kín ở giữa nút giao dài 80m. Đường Điện Biên Phủ ở phía Tây nút giao được làm 2 làn đường cho xe buýt nhanh (BRT)

Kết nối giao thông ngầm - tầm nhìn chiến lược

Theo ông Trung, Hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn và nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ là hai dự án khởi đầu trong định hướng chiến lược phát triển giao thông ngầm của TP, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tại Quyết định 5030 của UBND Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, giải pháp giao thông ngầm của TP trong tương lai được Đà Nẵng định hướng cụ thể.

Theo đó, ngoài 2 nút giao ngầm trên, Sở GTVT đề xuất cải tạo một số nút giao thông trọng điểm theo phương án giao khác mức dạng hầm chui như nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý - 2/9 - Duy Tân, nút giao thông phía Tây cầu Rồng, nghiên cứu công trình hầm qua sông Hàn… Đồng thời, Sở GTVT phối hợp với Sở Xây dựng triển khai Quy hoạch không gian ngầm, trong đó có lồng ghép, nghiên cứu Quy hoạch hệ thống giao thông ngầm thành phố, theo hướng phân kỳ đầu tư.

Cụ thể: Giai đoạn từ nay đến năm 2020: Đà Nẵng tập trung xây dựng hầm chui tại một số nút giao thông khu vực trung tâm và các bãi đỗ xe ngầm (bãi đỗ xe ngầm tại khu vực nút giao Trần Cao Vân - Đống Đa - Ông Ích Khiêm). Giai đoạn sau năm 2020: Đà Nẵng tính đến tuyến đường hầm qua sân bay; Xây dựng hệ thống tàu điện ngầm nhằm kết nối 3 khu đô thị tập trung của thành phố là khu đô thị phía Bắc, khu đô thị trung tâm và khu đô thị phía Nam; Hầm chui dành cho người đi bộ tại một số vị trí khu vực trung tâm TP...

Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, giao thông ngầm là giải pháp mang tính đột phá, tầm nhìn chiến lược cho giao thông đô thị. Thực tế, với tốc độ đô thị hóa, sự phát triển nhanh chóng trên các lĩnh vực KT-XH, tốc độ tăng trưởng phương tiện xe cơ giới của Đà Nẵng những năm gần đây rất cao (ô tô tăng gần 12%/năm, xe máy tăng gần 8%/năm) đã bắt đầu gây áp lực lên hạ tầng giao thông TP và không gian công cộng. Bên cạnh đó, quỹ đất dành cho giao thông của TP rất hạn chế, không gian xanh, không gian công cộng ngày một thu hẹp… Do đó, việc khai thác không gian ngầm giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất nhằm hướng đến xây dựng TP an bình, văn minh và hiện đại.

Kinh nghiệm thực tiễn từ các nước phát triển cho thấy việc xây dựng hệ thống giao thông ngầm là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đô thị, giúp sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất để xây dựng nhà ở, các công trình thương mại, dịch vụ và các công trình phục vụ lợi ích công cộng, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Vì sao nên chọn hầm chui sông Hàn?

Theo chủ trương chấp thuận của Đà Nẵng, hầm qua sông Hàn có chiều dài dự kiến 1,4km, trong đó hầm kín khoảng 1,0km, hầm hở hai đầu mỗi phía 0,2km; Với độ dốc dọc hầm kín 2%, hầm hở 4% đảm bảo theo quy chuẩn; Tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng; Thời gian thi công 36 tháng. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc “làm rõ sự cần thiết của việc đầu tư xây dựng công trình hầm qua sông Hàn”, TP sẽ bổ sung dự án này vào Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12/2013).

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC) nhận định: Làm hầm qua sông Hàn là giải pháp có tính khả thi, có thể đáp ứng được hầu như toàn bộ các tiêu chí của TP đặt ra cho công trình vượt sông tại khu vực này. Đồng thời, sẽ san sẻ bớt lưu lượng giao thông cho cầu Sông Hàn và trục đường Lê Duẩn, vốn đang là trục giao thông có lưu lượng lớn nhất trung tâm (trên 40 nghìn lượt xe con quy đổi/ngày, đêm) hiện đã gần như mãn tải.

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng cho hay: Việc xây thêm cầu sẽ làm mất không gian và vẻ đẹp của dòng sông, biến sông Hàn thành con kênh chật chội và làm xấu đi cấu trúc đô thị. Hầm chui là tốt nhất, tính đến phương án xây hầm chui có tuyến metro đi qua trong tương lai, kết hợp 2 trong 1 đường sắt đô thị và hầm đường bộ. Đặc biệt, khi Đà Nẵng quy hoạch cảng sông Hàn thành cảng du lịch, đón nhiều tàu lớn, việc xây hầm dưới lòng sông sẽ giúp công năng của cảng này phát huy tối đa.

PGS. TS. Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) đồng tình: Xây hầm là giải pháp phù hợp và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí giao thông đô thị nhất. Bởi, đây là vị trí cuối cùng để Đà Nẵng có thể làm thêm 1 công trình giao thông vượt sông Hàn. Nhưng nếu làm cầu thấp thì không đảm bảo độ tĩnh không, làm cao thì không thể tổ chức tuyến đường sắt đô thị qua sông Hàn. Trong khi đó, tuyến đường sắt ngầm là xu thế giao thông của các đô thị hiện đại, đông dân cư.

Ngân Hà

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.