Cảng Đà Nẵng tập trung đầu tư hạ tầng, thiết bị tại bến Cảng Tiên Sa |
Cảng Đà Nẵng đang hiện thực hóa mục tiêu trở thành 1 trong 5 cảng hàng đầu tại Việt Nam từ sau năm 2020, cùng định hướng chiến lược cảng xanh (Green Port) theo hai giải pháp đột phá: Khai thác cảng và dịch vụ logistics ngoài cảng.
Đầu tư đồng bộ, chuyên sâu
Ghi nhận Báo Giao thông, các hoạt động khai thác, làm hàng tại cầu cảng Tiên Sa (Công ty CP Cảng Đà Nẵng) luôn sôi động, tấp nập. Hạ tầng cầu cảng ngày càng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, với tổng chiều dài lên đến gần 1,2km, tiếp nhận các tàu hàng 35.000 - 50.000 DWT, cùng hàng loạt các tàu chuyên dụng khác như tàu RORO, tàu container, tàu khách loại lớn và vừa, tàu hàng siêu trường, siêu trọng. Ngoài ra, cảng Đà Nẵng chủ động đầu tư hệ thống kho bãi tại Xí nghiệp Cảng Tiên Sa và Công ty CP Logistics cảng Đà Nẵng cùng hệ thống trang thiết bị, máy móc chuyên dụng hiện đại, công suất lớn đảm bảo cho việc khai thác, làm hàng.
Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho hay: Đơn vị mạnh dạn huy động nguồn lực xã hội, vốn đầu tư thay thế nguồn vốn ODA truyền thống để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2. Đến nay, công tác xây dựng 2 cầu tàu 50.000 DWT và 20.000 DWT đạt trên 95% tổng khối lượng, nâng khả năng tiếp nhận tàu container lên 4.000 TEUs và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng chậm nhất cuối tháng 11/2017. Dự án đầu tư 2 cẩu RTG điện dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay trong tháng 11/2017 và hai cẩu QCC sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 4/2018.
Mới đây, cảng Đà Nẵng đã thực hiện thành công việc đưa sàn nâng mới vào sử dụng để xuất hàng dăm gỗ lên tàu. Với việc sử dụng đồng thời cả 2 băng chuyền, 2 sàn nâng, năng suất xuất hàng dăm gỗ tại cảng đã tăng lên nhiều, đạt hơn 11.000 tấn/ngày, thời gian tàu dăm nhận hàng tại cảng giảm xuống còn 3-4 ngày, giảm hơn 2 ngày so với trước đây. Ngoài ra, 2 cẩu cố định FCC đã được đưa vào hoạt động tại Bến 2 cảng Tiên Sa, góp phần tăng năng suất xếp dỡ hàng tổng hợp cũng như tăng thêm 1 bến có thể phục vụ tàu container nội địa, giúp cảng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng...
Giải pháp đầu tư hạ tầng, thiết bị, tiếp tục tạo đà tăng trưởng nhanh, bền vững hàng hóa thông qua cảng. Thống kê, đến nay có 16 hãng tàu container có tàu thường xuyên đến cảng Tiên Sa và hơn 40 hãng vỏ container. Nếu như năm 2016, trung bình mỗi tuần cảng Đà Nẵng đón 19 chuyến tàu container thì nay cảng thường xuyên đón khoảng 22-23 chuyến tàu cập cảng Tiên Sa hàng tuần.
Trong 5 năm qua, sản lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng tăng trên 13%/năm, trong đó hàng container tăng 24%. Năm 2016, sản lượng này là 7,25 triệu tấn, tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2015. Trong năm 2017, hàng hóa qua cảng tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, với vị trí là một cảng biển quan trọng của thành phố du lịch, cảng Đà Nẵng cũng rất tập trung đến lĩnh vực tàu khách. Ghi nhận 6 tháng đầu năm, cảng Đà Nẵng đón 52 chuyến tàu du lịch, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách và thuyền viên 2 quý đầu năm đạt 99.789 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.
Cảng Đà Nẵng đã thực hiện thành công việc đưa sàn nâng mới vào sử dụng để xuất hàng dăm gỗ lên tàu |
Phát triển “cảng xanh” logistics
Theo các chuyên gia, cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp, container, du lịch quốc tế trọng điểm ở khu vực miền Trung, đồng thời thực hiện chuyển hàng quá cảnh của một số vùng thuộc Lào, Thái Lan hay Myanmar trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC); cùng với với hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối các vùng miền sẽ đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ cảng biển lớn so với khu vực trong tương lai. Đồng thời, Đà Nẵng đang chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ. Đây chính là những yếu tố thuận lợi để Đà Nẵng phát triển lĩnh vực logistics, mở ra một hướng đi mới cho các nhà đầu tư.
Trao đổi về vấn đề này, ông Sia nhấn mạnh định hướng đến năm 2020, cảng Đà Nẵng tập trung mục tiêu phát triển hướng tới cảng xanh (Green Port) theo hai trụ cột chính: Khai thác cảng và dịch vụ logistics ngoài cảng. Công tác khai thác cảng chú trọng vào tàu container, tàu khách du lịch và tàu hàng trọng tải lớn. Công tác dịch vụ logistics bao gồm kinh doanh kho bãi, kho CFS, kho ngoại quan, trung tâm phân phối hàng hóa…
Ngay từ đầu năm 2018, cảng Đà Nẵng sẽ đưa vào khai thác 2 cầu bến mới thuộc Dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, góp phần nâng cao năng lực xếp dỡ và chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH Đà Nẵng và khu vực. Đồng thời, cảng Đà Nẵng cũng sẽ xây dựng bến sà lan tại Liên Chiểu để trung chuyển hàng hóa qua vịnh Đà Nẵng, cùng với việc đầu tư Trung tâm dịch vụ logistics 20ha tại Hòa Nhơn (huyện Hoà Vang) sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành chuỗi dịch vụ logistics cho khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Cùng hạ tầng, cảng Đà Nẵng chú trọng phát triển văn hóa ứng xử, quản trị doanh nghiệp và chất lượng đội ngũ CBCNV, đặc biệt nguồn nhân lực cho logistics. Theo đó, cảng tăng cường công tác quản lý theo hướng quản trị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng CNTT vào quản lý, vận hành...
Với các giải pháp đồng bộ này, dự kiến đến năm 2020, cảng Đà Nẵng sẽ đón 10 triệu tấn hàng hoá/năm, trong đó hàng container dự kiến đạt 510.000 TEUs, 180 tàu khách du lịch với khoảng 230.000 lượt khách du lịch và thuyền viên. Tổng doanh thu ước đạt 1.000 tỷ đồng. Mục tiêu sau năm 2020, cảng Đà Nẵng sẽ trở thành 1 trong 5 cảng hàng đầu tại Việt Nam.
Tiên phong phát triển trung tâm dịch vụ Logistics miền Trung Ông Nguyễn Hữu Sia cho biết: Cảng Đà Nẵng chủ động phát triển Trung tâm Dịch vụ logistics theo đề án “Phát triển ngành dịch vụ logictics TP Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020” được UBND thành phố phê duyệt. Theo đề án, sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ban đầu cho chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của lĩnh vực này là 14,5%/năm. Đến năm 2020, thiết lập một trung tâm chuẩn hóa dịch vụ logistics - Trung tâm Logistics Đà Nẵng - bao gồm các dịch vụ như theo dõi, giám sát hàng gửi; xử lý thủ tục hải quan hiệu quả và phi giấy tờ. Trung tâm logistics sẽ kết nối đầy đủ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đường bộ và đường sắt; tiếp cận tốt tới các cảng biển chính, cảng hàng không, ga đường sắt chính; tập trung khách hàng muốn thuê dịch vụ logistics từ 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba); thu hút lượng hàng container xuất và nhập cao. Trong định hướng phát triển ngành logistics, Đà Nẵng sẽ khai thác, thiết lập các tuyến vận tải mới đến từ những quốc gia phát triển: Nhật, châu Âu, Úc...; nâng cấp và hiện đại hóa giao thông đường sắt, đường hàng không tại nút giao thông Đà Nẵng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận