Xem - ăn - chơi

Đốt vàng mã đâu phải văn hóa Việt!

21/01/2015, 07:26

Trong nhiều năm qua, việc đốt vàng mã tại các lễ hội vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối.

151
Vào mùa lễ hội đền Bà Chúa Kho, người dân đốt quá nhiều vãng mã
(Ảnh minh họa)

Đền Bà Chúa Kho cả trăm triệu thành tro

Năm 2014, Bộ VH-TT&DL quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh việc hạn chế đốt vàng mã trong hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn không thể chấm dứt. Đặc biệt, tại Hội nghị Tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2014 vừa diễn ra cuối tuần qua, đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) vẫn được nhắc lại như một vấn đề nhức nhối.

Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết, đa số ý kiến được hỏi đều cho rằng, du khách thập phương về đền Bà Chúa Kho đốt quá nhiều vãng mã. Vào mùa lễ hội, lò hóa vàng mã trong đền luôn đỏ lửa. Tính ra mỗi ngày có hàng chục triệu đồng bị đốt ra tro. Mâm vàng mã trước chưa cháy hết, mâm sau đã được đưa vào. Khách thập phương thay vì cầm tiền, vàng thành kính đốt ít một, thì lại ôm cả chục trên tay, ném vào lò hóa. Thậm chí thỉnh thoảng do quá tải, khách còn bê vàng mã ra khu vực phía sau, dưới triền núi Kho để hóa. Nếu tính toán kinh tế thì hàng năm tại đền Bà Chúa Kho tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho việc đốt vàng mã. Đây là số tiền lớn bị lãng phí trong tình hình kinh tế nước ta hiện nay.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Ảnh – thừa nhận nhiều năm nay, nhà đền đã cắt cử người vận động du khách không mang vàng mã ra lò đốt mà cung tiến vào kho để phân tán lộc cho du khách.

Đốt vàng mã không thuộc về văn hóa VN

Theo Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ thời Trung Quốc cổ đại, không thuộc về văn hóa VN. Các sử liệu Trung Quốc chỉ ra rằng, đời thượng cổ, một khi có người chết cứ thế đem chôn, không quan, không ván, lại cũng không phải khoanh phần mộ. Trải qua các thời Tam Hoàng Ngũ đế rồi tới Hạ, Thương, Chu, các nghi thức chôn cất người chết được “văn hóa hóa” với nhiều quy trình và quan tâm đến việc đời sống sau chết. Từ đời Hán Hoa đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (105), ông Thái Lĩnh bắt đầu lấy cỏ cây dó và vải rách, lưới rách đem chế ra giấy. Có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo... bằng giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong tang ma, tế lễ. Vàng mã từ đó ra đời.

Đây là một tập tục có ý nghĩa kinh tế đối với đời sống của nhân dân. Nhưng hiện nay, người dân lạm dụng vàng mã quá nhiều và có vẻ như nó còn hao tiền tốn của không kém gì đốt tiền thật.

Cấm đốt nhưng lại không cấm sản xuất

Ông Ánh cũng cho biết, ngành Văn hóa tỉnh Bắc Ninh vẫn đang “bó tay” với việc đốt vàng mã tại đây bởi vận động là một chuyện, còn du khách vẫn nườm nượp đốt thì cũng khó ngăn cản.

Đánh giá chất lượng tổ chức lễ hội ở các địa phương

Năm 2015, lần đầu tiên, Bộ VH,TT&DL đưa ra bản tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức lễ hội ở các địa phương. Như vậy, công tác quản lý lễ hội ở từng địa phương thành công hay thất bại, tốt hay kém... sẽ được lượng hóa cụ thể. Bản tiêu chí đánh giá này sẽ chính thức được ban hành trong tháng 1 này.

Phó Chánh Thanh tra Bộ VH, TT&DL Phạm Xuân Phúc đã phải thốt lên trước những bất cập trong công tác quản lý hoạt động lễ hội. Trong đó, việc đốt vàng mã rất khó xử lý. “Nghị định 103 của Chính phủ về văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng có nội dung cấm đốt vàng mã nơi công cộng nhưng lại không cấm sản xuất, vận chuyển vàng mã nên cung và cầu vẫn “gặp nhau”. Đến Nghị định 158, Chính phủ cho phép xử phạt đốt đồ mã ở những nơi không đúng quy định, nhưng lại không quy định rõ những nơi nào không được đốt vàng mã.

“Muốn giải quyết triệt để hiện tượng này, các cơ quan chức năng phải xây dựng chế tài xử phạt, chứ không đơn giản là tuyên truyền, vận động như hiện nay”, ông Phúc kiến nghị.

Theo Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Nhà nước cần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật có liên quan đến việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ vàng mã. Ngoài ra, cần phải đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc hạn chế sử dụng vàng mã tại các cơ sở thờ tự, coi đây là một tiêu chuẩn xem xét tư cách đảng viên và bình bầu các danh hiệu thi đua cuối năm của công chức và viên chức.

Lý Phạm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.