Một cảnh trong phim "Cây táo nở hoa"
“Phim Việt bây giờ còn gay cấn hơn nhiều phim Hàn”, “Xem phim để giải trí, giờ xem lại thấy căng thẳng, mệt mỏi hơn”... là một số bình luận liên quan đến hai bộ phm “Cây táo nở hoa” và “Hãy nói lời yêu” đang “gây sốt” màn ảnh thời gian qua. Thậm chí, khi chứng kiến phim có quá nhiều tình tiết nghịch cảnh, phi lý khán giả phải thốt lên “Bao giờ cây táo mới nở hoa”, hay “Xem Hãy nói lời yêu” mà mãi chẳng thấy lời yêu thương”...
Không thể phủ nhận những cao trào này gây ấn tượng mạnh với người xem, thiết lập nên nhiều kỷ lục mới. Chẳng hạn, tập 33 của "Cây táo nở hoa" đã có hơn 204.000 lượt xem, trở thành phim truyền hình Việt có lượt xem công chiếu cùng lúc trên Youtube cao nhất mọi thời đại. Nhưng lại khiến người xem ngao ngán khi tai họa dồn dập, khiến nhân vật như Ngọc (Thái hòa), Châu (Thúy Ngân)... bị dồn đến tận cùng nỗi đau, hay phản diện ác đến rợn người...
Đỉnh điểm của tranh cãi là khi đặt một nhân vật đầy tình yêu thương như Ngọc lại sẵn sàng chấp nhận đẩy vợ con ra đường, ly hôn với Hạnh (Hồng Ánh) để lo cho em trai Ngà (Trương Thế Vinh) hay một cô gái lạ dễ dàng được chấp nhận khi bất ngờ thừa nhận có thai với Dư (Song Luân).
"Cây táo nở hoa" khiến khán giả mệt mỏi vì nhân vật chính gặp quá nhiều bi kịch
Giải thích về những bi kịch không lối thoát của các nhân vật, đạo diễn Võ Thạch Thảo cho rằng, với đặc thù là thể loại dailydrama, những kịch tính trong phim đều được bắt nguồn từ cuộc sống hàng ngày. Phim được chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc nên những mâu thuẫn và những xung đột liên tục là công thức.
“Chúng tôi chỉ cố gắng biến hoá để những nhân vật sống động, mang sắc thái Việt, để khán giả Việt thấy câu chuyện gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày. Việc tạo ra nút thắt cho từng nhân vật và tháo gỡ những nút thắt đó được chúng tôi làm rất thận trọng”, nữ đạo diễn nói.
Cảnh nhân vật Minh phải chịu nhiều áp lực từ gia đình gây ám ảnh
Trong khi đó, “Hãy nói lời yêu” lại khiến khán giả bức bối vì chứng kiến cảnh nhân vật Minh (Quang Anh) phải tự tìm đến cái chết vì quá áp lực chuyện học hành. Nhiều khán giả tỏ ra phẫn nộ với đạo diễn và biên kịch, cho rằng việc “ép” Minh chết là quá đáng.
“Mình mong một cái kết đẹp hơn, nhân văn hơn, dù biết rằng đây là lới cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái và gìn giữ hạnh phúc gia đình”, “Tôi kịch liệt phản đối xây dựng kịch bản theo hướng tiêu cực kiểu này. Sẽ ra sao nếu những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự học theo Minh để tự giải thoát cho mình? Hệ luỵ không nhỏ đâu các ông, bà biên kịch ạ”... là một số bình luận của khán giả.
Tuy nhiên, việc ê-kíp sản xuất quá tham kịch tính, đẩy cao trào mà quên đi cảm xúc của người xem dẫn đến phản ứng ngược là điều khó tránh khỏi. Một kịch bản hay phải vừa hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo có lý, có tình, giải quyết thỏa đáng những vấn đề đặt ra, chứ không phải chỉ suốt ngày đau đớn, bi kịch khiến khán giả mệt mỏi khi phải chờ đợi một cái kết có hậu.
Đặc biệt, đối với các phim được chiếu trên khung giờ vàng của Đài Truyền hình quốc gia, việc cân nhắc nội dung sao cho phù hợp với mọi lứa tuổi khán giả là điều cần thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận