Thời sự Quốc tế

ĐSQ Trung Quốc tuyên bố về luật hải cảnh mới ban hành

03/02/2021, 07:05

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines có phản ứng xoa dịu Manila sau căng thẳng xung quanh vấn đề Bắc Kinh ra luật hải cảnh gây tranh cãi.

img

Tàu hải cảnh Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông

Ngày 2/2, trên tài khoản Facebook chính thức, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ra thông báo liên quan tới luật cảnh sát biển vừa được Bắc Kinh công bố.

Cơ quan này viết: “Hải cảnh Trung Quốc là cơ quan thực thi pháp luật. Việc xây dựng luật hải cảnh hoàn toàn là hoạt động ban hành luật pháp nội địa bình thường của Trung Quốc. Việc ban hành luật hải cảnh không phải chỉ có ở Trung Quốc mà là quyền chủ quyền của tất cả các nước".

"Rất nhiều quốc gia đã ban hành luật pháp tương tự. Philippines từng có luật hải cảnh năm 2009, coi lực lượng bảo vệ bờ biển Pilippines là lực lượng vũ trang. Từ trước đến nay, chưa có luật nào như vậy được coi là mối đe dọa chiến tranh” - Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nhấn mạnh.

Đại sứ quán Trung Quốc cũng phủ nhận thông tin trên truyền thông Philippines về việc một ngư dân Philippines Larry Hugo đã bị tàu hải cảnh 5103 của Trung Quốc quấy rối gần Đảo Thị Tứ (hòn đảo nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang do Philippines kiểm soát) và cho rằng đây là những thông tin "thêu dệt, không chính xác".

Thông báo trên từ Đại sứ quán Trung Quốc được coi là động thái mới nhất từ Bắc Kinh nhằm xoa dịu căng thẳng với Philippines sau khi phía Manila lo ngại việc Trung Quốc ban luật hải cảnh mới là đe dọa chiến tranh.

Đáng lưu ý là, khác với tất cả các quốc gia trên thế giới, luật hải cảnh (được ông Tập Cận Bình ký ban hành từ ngày 22/1) cho phép lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí cầm tay, vũ khí trên tàu và trên không với tàu nước ngoài khi cái mà Trung Quốc gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị những cá nhân và tổ chức nước ngoài "xâm phạm" hoặc "trong trường hợp cấp bách, bị xâm phạm phi pháp".

img

Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. của Philippines

Ban đầu Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. không phản ứng rõ ràng nhưng sau đó, ngày 27/1, ông bất ngờ thay đổi thái độ, đưa ra hàng loạt phát ngôn và hành động mạnh mẽ tới Trung Quốc về việc ban hành Luật hải cảnh.

Giải thích về phản ứng trên, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. cho biết, việc ban hành luật là "một đặc quyền chủ quyền" nhưng căn cứ trên khu vực liên quan, hành động này của Trung Quốc là "mối đe dọa chiến tranh bằng lời" với các nước phản đối luật. "Nếu không phản đối, tức là sẽ phục tùng" - ông nhấn mạnh.

Phía ngư dân Philippines cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines lên án mạnh mẽ Luật hải cảnh của Trung Quốc vì cho rằng luật này "gần như là lời tuyên chiến" với các nước khác.

Một số chuyên gia và nghị sĩ tại Manila, điển hình là Thượng nghị sĩ Richard Gordon, e ngại luật có thể dẫn tới chiến tranh nóng trong trường hợp nhân viên hải cảnh Trung Quốc yêu cầu kiểm tra tàu của nước khác.

Về phía Việt Nam, liên quan tới diễn biến trên, ngày 29/1, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó".

Theo người phát ngôn Thu Hằng, Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, đồng thời không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.