HLV Miura |
Dĩ bất biến, ứng vạn biến
Trong hành trình của ĐTVN sau ba trận vòng bảng, chỉ có trận đá với Philippines khiến người hâm mộ thực sự hài lòng khi giành chiến thắng áp đảo cả về thế trận lẫn tỉ số. Tuy nhiên, nếu xét toàn diện, HLV Toshiya Miura đã và đang tạo ra một ĐTVN đầy biến hóa. Trong ba trận đã qua, gần như chỉ có hàng thủ được nhà cầm quân người Nhật giữ nguyên bộ khung còn hàng tiền vệ và hàng công liên tục có sự xáo trộn. Nếu ở tuyến giữa, những cái tên như: Tấn Tài, Hoàng Thịnh, Huy Hùng, Minh Tuấn, Thành Lương, Huy Toàn được luân phiên sử dụng thì cặp tiền đạo cũng mỗi trận một vẻ. Khi là Hải Anh đá cặp cùng Văn Quyết, khi là Công Vinh kết hợp Anh Đức, khi lại là Công Vinh chơi cùng Văn Quyết.
Trong bóng đá hiện đại, sự ổn định trong đội hình rất được coi trọng. Ngay cả những đội bóng hàng đầu thế giới cũng hiếm khi có nhiều sự thay đổi trong đội hình xuất phát từ trận này sang trận khác. Vậy có phải HLV Miura đang đi ngược xu thế? Điều này không quá quan trọng bởi điều mấu chốt là kết quả thu được. Nhà cầm quân người Nhật có thể xới tung đội hình, nhưng ĐTVN vẫn có được sự gắn kết cần thiết trong lối chơi. Thêm vào đó, cách vận hành nhân sự như vậy cũng khiến các đối thủ “chẳng biết đâu mà lần” khi đối đầu với đội bóng áo đỏ, từ đó cũng sẽ rất khó để có thể bắt bài.
Đi liền với yếu tố con người, chiến thuật mà ĐTVN áp dụng cũng rất biến hóa. Nếu sử dụng Tấn Tài, các học trò của HLV Miura sẽ chủ yếu "đánh vỗ mặt", hai tiền vệ biên cũng có xu hướng bó vào trong tạo thành trục dọc xộc thẳng vào khung thành đối phương như trận gặp Lào. Trong khi đó, nếu Tấn Tài ngồi ngoài, ĐTVN lại chủ yếu dùng miếng đánh biên rồi giật ngược lại hoặc tạt vào trong để các tiền đạo xoay sở, đây là vũ khí mà đội bóng áo đỏ đã dùng để đối phó với Indonesia và Philippines.
Đắc nhân tâm
Thêm một điểm đặc biệt của ĐTVN dưới thời HLV Miura, đó là tinh thần chiến đấu đầy quả cảm. Mỗi cầu thủ, mỗi vị trí khi ra sân đều chơi với nỗ lực cao nhất. Để có được điều này, HLV Miura đã dày công gây dựng một tập thể đoàn kết, không có công thần. Ai có phong độ cao hơn, khát khao chiến thắng nhiều hơn sẽ được trao cơ hội. Những cầu thủ không có trạng thái tốt nhất thì dù là ai cũng sẽ phải ngồi dự bị. Việc ngồi ngoài ở đây có mục đích để bồi đắp quyết tâm thể hiện bản thân chứ không đơn thuần là gạt đi những nhân tố không phù hợp. Tuy nhiên, để người vào sân phục, kẻ ngồi ngoài cũng phục là bài toán không hề đơn giản.
Đáp án của bài toán này ĐTVN đã có được, còn giải bằng cách nào thì HLV Miura là người rõ hơn cả. Yếu tố tiên quyết là người thày phải tạo được sự tin tưởng tuyệt đối từ các học trò. Còn nhớ vài ngày trước khi AFF Suzuki Cup 2014 khởi tranh, HLV Miura đã gọi từng tuyển thủ vào phòng để nói chuyện riêng. Không ai biết những câu chuyện mà vị thuyền trưởng này truyền đạt đến học trò, nhưng tất cả đều thấy ĐTVN đã chiến đấu ra sao, hoàn thành mục tiêu như thế nào.
Ở trận ra quân, thủ thành Nguyên Mạnh và trung vệ Tiến Thành đều mắc lỗi nghiêm trọng khiến ĐTVN bị cướp mất chiến thắng. Nhiều người suy luận cả hai sẽ bị "trảm" ở trận đấu tiếp theo, nhưng HLV Miura lại làm ngược lại, tiếp tục trao cơ hội cho Nguyên Mạnh và Tiến Thành. Có lẽ vì cảm kích trước sự tin tưởng của người thày, cả hai đều chơi rất hay ở hai trận đấu còn lại của vòng bảng. Hơn ai hết, ông Miura hiểu rằng những sai lầm cá nhân là rất khó tránh khỏi, nhưng trừng phạt không phải là cách tốt để giải quyết vấn đề.
Nếu ở địa vị của nhà cầm quân người Nhật, nhiều vị HLV đều sẵn sàng gạt Nguyên Mạnh, Tiến Thành khỏi kế hoạch tại AFF Cup, nhưng như vậy chẳng khác nào "giáng một đòn mạnh" vào tâm lý thi đấu của hai cầu thủ này. Thay vào đó, việc tiếp tục trao cơ hội sẽ khiến cả hai tự ý thức được việc phải nỗ lực hơn, cẩn trọng hơn, trách nhiệm hơn trong từng pha bóng. Đây là điều không phải vị thuyền trưởng nào cũng có thể làm được.
Hữu Hiệp
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận