Sáng 18/12, đi thực tế tại dự án đoạn 3 đường Vành đai 2 ở phường Tam Bình, TP Thủ Đức (TP.HCM) và ghi nhận, dự án xuống cấp, hoang tàn đến chua xót.
Dự án hoang tàn, cỏ mọc um tùm
Dự án đoạn 3 có tổng vốn đầu tư 2.765 tỷ đồng bao gồm cả chi phí giải tỏa mặt bằng. Công ty cổ phần Văn Phú - Bắc Ái là nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Dự án bắt đầu thi công vào cuối tháng 12/2017.
Tuy nhiên, ngay cả những người dân ở cách công trình này vài trăm mét, khi được hỏi dự án nằm ở đâu, nhiều người đã trả lời “không biết”(?!). Lối vào dự án là con đường đất nhỏ, xung quanh cây cối, cỏ dại mọc um tùm… hoang vắng, không có chút biểu hiện nào của một đại dự án giữa lòng TP Thủ Đức.
Một trong những cây cầu của dự án thi công xong móng, đã lao lắp dầm nhưng nằm im bấy lâu nay.
Hai cây cầu nhỏ đang thi công dở dang, nhiều khối bê tông gỉ sét… là tất cả những gì mà dự án nhiều nghìn tỷ đồng này để lại. Toàn bộ vùng dự án thành bãi cỏ mênh mông để người dân chăn thả bò, còn gầm cầu là khu “chuồng trại” cho đàn bò trú mưa, trú nắng.
Ông Nguyễn Văn Hải (50 tuổi, nhà ở ngay hiện trường dự) án cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố, gia đình ông (gồm 5 chị em ruột) đã nhận tiền đền bù (khoảng gần 3 triệu đồng/m2) để bàn giao hàng nghìn m2 đất cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, sau ít tháng khởi động, dự án “trùm mềm” cho đến nay.
“Kể từ khi thực hiện dự án này, cứ hễ trời mưa là cả khu bị ngập do hệ thống thoát nước bị công trình này bịt hết. Chúng tôi mòn mỏi mong chờ dự án hoàn thành để không còn bị ngập lụt, nhếch nhác và yên ổn làm ăn nhưng chờ hoài chẳng thấy…!”, ông Hải nói.
Sắt thép trên các khối bê tông bị gỉ sét
Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho hay, đến nay Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư hơn 73,6% trên tổng diện tích cần giải tỏa. Về thi công, dự án đã đạt 43,8% giá trị hợp đồng xây lắp. Dự kiến tuyến đường sẽ đưa vào sử dụng sau 24 tháng thi công. Tuy nhiên, từ tháng 3/2020, nhà đầu tư đã tạm dừng thi công dự án này.
Lý do nhà đầu tư đưa ra là địa phương chậm bàn giao mặt bằng, đồng thời chờ thành phố xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh dự án, ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thanh toán quỹ đất... Đến thời điểm này, giá trị lãi vay của dự án ước tính lên tới hơn 232 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng tháng, ngân sách nhà nước sẽ phải trả lãi khoảng 10 tỷ đồng.
Chưa nhận đất đã ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng (?!)
Theo hợp đồng BT ký ngày 25/11/2016, UBND TP.HCM dự kiến sẽ dùng 5 khu đất để thanh toán chi phí cho nhà đầu tư gồm: 234 Lý Tự Trọng, Q.1, rộng 643 m2; khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng Q.Bình Thạnh, 7.200 m2; khu đất 582 Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân, 12.240 m2; khu đất 132 Đào Duy Từ, Q.10, rộng 10.618,5 m2; khu đất 12 Kỳ Đồng, Q.3, rộng 940 m2; khu đất 42 Trương Định, Q.3, 807 m2.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đến thời điểm này TP.HCM vẫn chưa bàn giao cho Công ty Văn Phú - Bắc Ái lô đất nào trong các khu đất trên vì các sở ngành đang rà soát thủ tục.
Thế nhưng, dù chưa được nhận đất, Công ty Văn Phú - Bắc Ái đã ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng cho Cty TNHH Joming khu “đất vàng” 132 Đào Duy Từ (P.6, Q.10) với giá trị ghi trên Hợp đồng là 370 tỷ đồng, chia làm 04 đợt thanh toán cụ thể gồm: Các đợt 1,2,3 đặt cọc với số tiền mỗi đợt 74 tỷ đồng và đợt thanh toán cuối cùng là 148 tỷ đồng.
Giá trị chuyển nhượng nêu trong Hợp đồng đã ký giữa Văn Phú Bắc Ái và Joming cũng đặt ra rất nhiều nghi vấn. Cụ thể, theo giá trị chuyển nhượng 370 tỷ đồng thì mỗi m2 “đất vàng” này chỉ có giá chưa đến 35 triệu đồng/m2, trong khi giá trị thực của mỗi m2 đất ở đây đang cao hơn gấp cả chục lần. Đó là chưa kể khu đất được thoả thuận quy hoạch xây dựng căn hộ cao cấp kết hợp thương mại lên đến 25 tầng.
Ngày 25/11/2016, UBND TP.HCM và liên danh nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam - Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú Invest - Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái ký hợp đồng BT số 6827/HĐ-UBND dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) theo hình thức BT với chiều dài 2,751 km.
Đây là dự án thuộc Vành đai 2 có tổng diện tích phải thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 20 ha. UBND quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) chịu trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng, quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định. Giá trị hợp đồng BT là 2.765 tỷ đồng bao gồm 944 tỷ đồng giá trị dự án BT và 1.821 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tìm hiểu thêm một số thông tin về hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Joming của ông Vòng Pảy Pắn thì hầu như không phát sinh hoạt động nào khác ngoài hợp đồng đã ký kết với CTCP Văn Phú Bắc Ái liên quan khu đất 132 Đào Duy Từ.
Để có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải qua nhiều thủ tục được cơ quan chức năng cho phép, từ thu hồi, giao đất theo tiến độ thực hiện hợp đồng BT, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tính vào thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng nói trên, khu đất 132 Đào Duy Từ chưa được cơ quan chức năng chấp thuận cho phép chuyển đổi, đây đang còn là trụ sở hoạt động của Công ty cổ phần công trình Cầu phà TP.HCM.
Đáng chú ý, trong phụ lục Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái và Công ty TNHH Joming lập ngày 14/5/2018 cũng thể hiện: Công ty cổ phần Văn Phú - Bắc Ái sẽ hoàn thành thủ tục xin cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 30/9/2018…
Để “gỡ vướng” cho dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã kiến nghị UBND TP.HCM sớm xét xét, chỉ đạo các sở ngành liên quan điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh dự án, ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thanh toán đất đối ứng… để tránh phát sinh lãi, gây thất thoát lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Đại diện nhà đầu tư nói gì?
Đại diện nhà đầu tư Văn Phú – Bắc Ái cho biết 2 năm nay, từ khi thực hiện dự án, đã tạm ứng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và chi phí thi công gần 1.400 tỷ đồng nhưng chưa được thanh toán.
Về việc ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu đất hơn 10 nghìn mét vuông tại 132 Đào Duy Từ cho Công ty TNHH Joming, nhà đầu tư cho biết đây là thỏa thuận nguyên tắc theo đúng quy định pháp luật. Giá chuyển nhượng khu đất 370 tỷ được ghi trong hợp đồng là giá được bên dự kiến tại hợp đồng ký kết.
Giá chuyển nhượng chính thức chỉ được các bên thống nhất sau khi đủ đièu kiện chuyển nhượng theo quy định pháp luật hiện hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận