Bất động sản

Dự án bất động sản "núp bóng" hoạt động thuê môi trường rừng?

13/11/2024, 08:30

Lo ngại vi phạm phát sinh từ hoạt động cho thuê môi trường rừng, PGS.TS Lưu Thế Anh đề nghị đánh giá lại hoạt động này ở tất cả các địa phương hiện nay.

"Tuýt còi" vi phạm pháp luật bảo vệ rừng

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về hoạt động cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Nghị định 91 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156 (11/2018) của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có quy định công trình phục vụ kinh doanh du lịch sinh thái xây dựng chiều cao không quá 12m. Mật độ xây dựng không quá 20% và chỉ xây dựng khu vực đất trống, thảm cỏ, cây bụi không có khả năng phục hồi rừng.

Dự án bất động sản "núp bóng" hoạt động thuê môi trường rừng?- Ảnh 1.

Một trong những vị trí nằm trong VQG Tam Đảo bị xâm phạm. Ảnh: Ngọc Tân.

Nghị định cũng quy định rõ, kinh doanh du lịch sinh thái không được làm tác động tiêu cực, ảnh hưởng mục tiêu bảo tồn thiên nhiên như: Bảo tồn động vật hoang dã, hệ sinh thái đặc hữu, đặc trưng, động vật quý hiếm... Tuy nhiên, thực tế, các chủ đầu tư có tuân thủ các quy định hay không, các cơ quan chức năng, chủ rừng cần phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, đánh giá lại.

Vườn Quốc gia Tam Đảo đã ban hành quyết định về việc Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 6 dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thuộc Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Tam Đảo giai đoạn 2021-2030, gồm: Công ty Cổ phần TMDV MAS Việt Nam, Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo, Công ty Đầu tư và Phát triển TTC Việt Nam, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển dịch vụ Tam Phúc, Công ty TNHH ECO Tam Đảo.

Đối với khu du lịch sinh thái số 11, có 2 nhà đầu tư tham gia nộp hồ sơ tuyển đạt yêu cầu, phải thực hiện đầu thầu là Công ty TNHH Xây dựng LTH và Công ty TNHH Vĩ Nguyên Cát - Công ty TNHH Đầu tư APG - Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng.

Cũng theo ông Thế Anh, tất cả dự án cho thuê môi trường rừng đều phải đánh giá tác động môi trường. Trong đánh giá phải chỉ ra tác động trong các giai đoạn: Triển khai, vận hành, đề xuất giải pháp và biện pháp giảm thiểu.

Giảm thiểu là trách nhiệm của chủ đầu tư. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát thuộc chức năng của cơ quan bảo vệ môi trường, cơ quan phê duyệt đánh giá tác động môi trường như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý môi trường ở địa phương và chủ rừng. Khi doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học cần phải tuýt còi ngay kể cả trong giai đoạn xây dựng.

"Tôi đề nghị đánh giá lại kết quả, tồn tại hạn chế của chính sách thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái hiện nay ở các địa phương. Quy định cho liên danh, liên kết để phát triển du lịch sinh thái nhưng trách nhiệm quản lý và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học thuộc về chủ rừng. Luật quy định chủ rừng vẫn phải thực hiện trách nhiệm, không phải chủ rừng cho thuê xong hết trách nhiệm", ông Thế Anh nói.

Dự án bất động sản "núp bóng" hoạt động thuê môi trường rừng?

Ông Lưu Thế Anh cho rằng, trong khu bảo tồn, khó để xây dựng các công trình như condotel, công trình kinh doanh, dịch vụ, chung cư để bán cho nhà đầu tư thứ cấp. Đất rừng không phải là đất kinh doanh được cấp sổ đỏ, bản chất nó là hợp đồng cho thuê môi trường rừng có thời hạn. Dự án có xây công trình gì đi nữa thì cũng không thể bán được. Nhà đầu tư có thể có hoạt động chuyển nhượng nhưng không thể chuyển quyền sử dụng đất.

Song, ông Thế Anh cũng đặt ra vấn đề về giải pháp cho những tác động tiêu cực tức thời xảy ra trong quá trình khai thác du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. "Tôi giả dụ, có khu du lịch sinh thái được thiết kế đón 2.000-5.000 lượt khách. Hạ tầng nghỉ dưỡng, khách sạn chỉ đáp ứng số lượng khách tương ứng. Nhưng có những ngày lượng khách tăng gấp 2-3 lần, đấy gọi là tác động tiêu cực tức thời. Vậy, bài toán đặt ra, nhà đầu tư, chủ rừng sẽ xử lý thế nào?", ông Thế anh đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lại cho rằng, cần công bằng, tách bạch hơn nữa quyền lợi, trách nhiệm và tính chất giữa dự án thuê môi trường rừng làm nghỉ dưỡng với thuê đất kinh doanh bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng nói chung.

Bởi, môi trường rừng, môi trường biển hay môi trường khác cũng đặt mục tiêu làm nghỉ dưỡng, thuê có thời hạn. Tuy nhiên, dự án nghỉ dưỡng ở môi trường khác phải thực hiện thủ tục đầu tư, thuê đất dài, nhiều công đoạn, tốn nhiều chi phí. Ngược lại, cho thuê môi trường rừng, khu vực được bảo tồn lại chỉ cần 1 hợp đồng để thuê 30 năm. Giá thuê chỉ 2 tỷ đồng/năm với diện tích 65ha. Rõ ràng, điều này chưa thỏa đáng đối với dự án thuê đất làm dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

"Đồng thời, cần điều chỉnh giá thuê môi trường rừng hàng năm giống như quy định xác định giá đất đảm bảo theo nguyên tắc thị trường. Điều chỉnh giá thuê đất rừng 5 năm/lần dễ phát sinh tiêu cực và thất thu nguồn ngân sách", ông Điệp bày tỏ.

Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin, Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đang xin đánh giá tác động môi trường dự án Khu du lịch sinh thái số 2, tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Theo hồ sơ của Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo, dự án có tổng diện tích 68ha, thuộc Tiểu khu 102 và Tiểu khu 105A, thuộc phân khu Du lịch - Hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Bên cạnh lợi ích khu sinh thái mang lại, việc bê tông rừng đặc dụng Quốc gia Tam Đảo cũng chịu không ít những tác động, đặc biệt là tình trạng bê tông hóa rừng.

Gần đây, Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc địa phận xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, cũng là xã có quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái số 2 xảy ra tình trạng xâm phạm đất rừng. Ông Thế Anh cho biết, pháp luật đã có quy định rất chặt chẽ về bảo vệ và trách nhiệm bảo vệ rừng. Hoạt động phá rừng hoàn toàn có thể hồi tố thông qua ảnh vệ tinh.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.