Thứ trưởng Nguyễn Văn Công kiểm tra hiện trường dự án ngày 7/5 |
Nhà thầu “đói” mặt bằng thi công
Ngày 7/5, trực tiếp thị sát và kiểm tra tình hình thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo QL38 đoạn qua hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã đánh giá cao những chuyển biến tích cực của dự án trong thời gian qua, đặc biệt là công tác thi công tại hiện trường.
Theo ghi nhận của Báo Giao thông, toàn bộ 7 gói thầu xây lắp của dự án (từ gói 11 đến gói 17) kéo dài từ TP. Bắc Ninh đến địa phận huyện Bình Giang (Hải Dương) đang được thi công đồng loạt. Tại những vị trí đã có mặt bằng “sạch”, các nhà thầu đều tập trung nhiều máy móc, thiết bị và nhân lực để thi công.
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư khai thác cảng (đại diện liên danh nhà đầu tư) cho biết, trong 7 gói thầu xây lắp có đến 4 gói (14, 15, 16 và 17) các đơn vị thi công liên tục từ sáng đến 1h đêm hôm sau để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của dự án đang gặp phải là “đói” mặt bằng để thi công do công tác bàn giao mặt bằng bằng nhỏ giọt và còn nhiều vướng mắc.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lưu Quang Lãm khẳng định: “Nếu mặt bằng của dự án được bàn giao đầy đủ và đúng thời hạn, chúng tôi sẽ hoàn thành toàn bộ các gói thầu xây lắp trước 28/2/2016 và bàn giao công trình vào 30/4/2016”.
Nói về những khó khăn của dự án liên quan đến công tác mặt bằng, ông Nguyễn Việt Cường, Tổng Giám đốc Công ty BOT 38 cho biết, tại khu vực địa phận tỉnh Bắc Ninh, đến nay gói thầu nhà đầu tư nhận được nhiều nhất cũng chỉ đạt 30% diện tích mặt bằng (gói 13), trong khi đó, gói 12 thuộc huyện Tiên Du, hội đồng GPMB địa phương mới bàn giao được 9% hay gói 11 qua địa phận TP.Bắc Ninh cũng mới chỉ có 1,1km mặt bằng được địa phương bàn giao.
Tiếp tục kiểm tra mặt bằng dự án tại các gói thầu 16, 17 thuộc địa phận tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng ghi nhận những khó khăn vướng mắc của các gói thầu này bởi hệ thống cáp quang của các đơn vị viễn thông tỉnh Hải Dương nằm trong phạm vi hàng lang ATGT đường bộ của dự án nhưng chây ỳ, không chịu di dời để “ngóng” tiền hỗ trợ, đền bù.
Bên cạnh đó, hội đồng GPMB hai huyện Bình Giang và huyện Cẩm Giàng cũng chưa xác định được phương án đền bù đất đối với hộ dân nằm trong diện di dời, giải toả cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Hệ thống cáp quang nằm trong hàng lang ATGT đường bộ của dự án nhưng đơn vị chủ quản chưa chịu di dời |
Trong khi đó, theo lý giải của đại diện chính quyền tỉnh Bắc Ninh, nguyên nhân bàn giao mặt bằng cho dự án bị chậm là do địa phương chưa thống nhất được phương án đến bù với người dân bị ảnh hưởng, tỉnh phải điều chỉnh lại quy hoạch nơi dự án đi qua,…
“Chốt” thời hạn bàn giao mặt bằng
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng cho dự án, tại cuộc họp cùng ngày với lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề nghị, chính quyền hai địa phương khẩn trương xây dựng thời gian bàn giao mặt bằng cụ thể cho từng gói thầu của dự án. Chậm nhất 31/7/2015, toàn bộ mặt bằng của dự án sẽ được các địa phương bàn giao đầy đủ. Đây là mốc thời gian không thể lùi được nữa. Trong quá trình thực hiện, nếu địa phương gặp khó khăn, vướng mắc thì phải có văn bản báo cáo để Bộ giải quyết, tháo gỡ những vấn đề trong thẩm quyền cho phép.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng gợi ý, đối với các công trình kỹ thuật như hệ thống cáp quang hay cột điện nằm trong phạm vi hàng lang ATGT đường bộ của dự án, Hải Dương và Bắc Ninh nên áp dụng cách làm giống như nhiều tỉnh thực hiện với dự án nâng cấp, mở rộng QL1. Theo đó, những hạng mục nào có trước 31/12/1982 nằm trong diện phải di dời thì sẽ được hỗ trợ nhưng các đơn vị chủ quản phải cung cấp được bằng chứng, giấy tờ để chứng minh. Còn đối với những công trình có sau 31/12/1982 hoặc đã bị thay đổi hiện trạng, theo quy định không có đền bù, hỗ trợ.
Đối với nhà đầu tư của dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Công ty BOT 38 phải phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác GPMB, tiếp tục đôn đốc các nhà thầu tập trung máy móc thi công để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Trong đó, lưu ý trong quá trình thi công phải đảm bảo ATGT và vệ sinh môi trường.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đều khẳng định, đầu tuần tới cả hai tỉnh sẽ triệu tập cuộc họp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án với cam kết trước 31/7/2015 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận