Kỳ 1: 10 năm vẫn dở dang, khái toán liên tục "nhảy múa"
Kỳ 2: Làm đường 800 tỷ, được đề xuất trả đất giá 9.000 tỷ
Dù dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công, quận Hoàng Mai chưa có quyết định chủ trương đầu tư, chưa giao đất, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà đã ký hợp đồng huy động vốn.
Làm đường BT, được đề xuất trả đất trị giá hơn 10 lần
Theo tìm hiểu của PV, tháng 2/2014, Sở Xây dựng Hà Nội có Tờ trình (1048) đề xuất TP Hà Nội chấp thuận đầu tư giai đoạn 1 Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công.
Cầu L3 bắc qua sông Lừ thuộc dự án BT Vành đai 2,5 Hà Nội
Tờ trình nêu rõ mục tiêu: “Chủ đầu tư khai thác kinh doanh sản phẩm của dự án để thu hồi vốn công trình BT đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng - QL1A; Tạo quỹ đất được xây dựng hạ tầng kỹ thuật để Hà Nội đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và tái định cư, công trình công cộng”.
Sở Xây dựng đề xuất chấp thuận chủ đầu tư dự án là liên danh nhà đầu tư: Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội và Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà. Quy mô dự án khoảng 96ha, trong đó đất chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh được ký hiệu NO và DD khoảng 34ha. Tổng khái toán vốn thực hiện dự án 9.477 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại diện Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho biết: Theo Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, thanh toán BT theo nguyên tắc ngang giá.
Năm 2020, Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công được Sở TN&MT định giá 9.000 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với vốn thực hiện dự án BT 2,5 (800 tỷ đồng).
Do đó, Sở KH&ĐT đã yêu cầu nhà đầu tư đề xuất vị trí đất phù hợp, có giá trị tương ứng giá trị BT. Nhà đầu tư đã đề xuất (khoảng 10ha), hiện đang chờ Sở TN&MT TP Hà Nội thẩm định giá trị. “Do đó, Sở KH&ĐT chưa thể thực hiện đề xuất Hà Nội ban hành quyết định đầu tư”, vị đại diện cho hay.
Chưa được cấp đất đã bán nhà
Báo Giao thông nhận được phản ánh của ông Nguyễn Hải Lăng và vợ là Nguyễn Hồng Hạnh về việc, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà) chưa giải phóng xong mặt bằng đã bán nhà ở hình thành trong tương lai tại Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công, quận Hoàng Mai.
Theo khảo sát của PV, nhà mặt tiền đường Lê Trọng Tấn (Định Công) chào bán giá từ 120 - 160 triệu đồng/m2 từng vị trí. Căn nhà 93m2 trong Khu đô thị Định Công chào bán 15,7 tỷ đồng (168 triệu đồng/m2).
Theo tổng hợp của Công ty Property Guru Việt Nam, giá đất toàn quận Hoàng Mai dao động từ 86 - 268 triệu đồng/m² (trung bình 177 triệu đồng/m2). Qua đó cho thấy, đơn giá hợp tác giữa ông Nguyễn Hải Lăng và Công ty Hoàng Hà (100 triệu đồng/m2) thấp hơn trong khu vực.
Đặt giả thiết, nếu giá này là giá bán chính thức của dự án đối ứng, thanh toán hợp đồng BT đường 2,5 và Hà Nội chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư theo đề xuất hiện nay là 10ha. Trong trường hợp này, khi bán hết 10ha với giá trung bình 100 triệu đồng/m2, nhà đầu tư thu về khoảng 10.000 tỷ đồng. Số tiền thu về này cao gấp hơn 10 lần giá trị dự án đường BT 2,5 (800 tỷ đồng).
Theo ông Lăng, cuối năm 2021, theo thông tin quảng cáo, ông đã mua 2 nhà ở hình thành trong tương lai số 05,06 tại ô số NO 3.8 thuộc dự án nói trên qua sàn giao dịch Hoàng Tuấn. Vợ chồng ông đã thanh toán 12,6 tỷ đồng trên tổng số 22,4 tỷ đồng theo giá trị hợp đồng.
Sau hơn 1 năm không thấy dự án triển khai, qua tìm hiểu, ông Lăng mới “ngã ngửa” vì dự án này chưa giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông đã liên hệ với chủ đầu tư là Công ty Hoàng Hà yêu cầu cung cấp thông tin tiến độ dự án nhưng không được đáp ứng. Do đó, ông Lăng cho rằng, chủ đầu tư sử dụng số tiền của ông không đúng mục đích, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Kèm theo đơn thư, ông Lăng cung cấp cho PV 2 hợp đồng hợp tác đầu tư ký giữa ông Lăng và Công ty Hoàng Hà. Mỗi căn diện tích 97,5m2; giá trị chuyển giao hạ tầng kỹ thuật gắn liền với quyền sử dụng đất là 9,759 tỷ đồng/căn. Kèm theo đó là 1 phiếu thu do ông Hoàng Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Hà ký, đóng dấu, số tiền thu 4,8 tỷ đồng với nội dung thu tiền hợp tác đầu tư dự án và 11 phiếu chuyển khoản khác với số tiền từ 300 triệu đến 5 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, Phó chủ tịch UBND phường Định Công Đặng Xuân Chiến xác nhận, dự án này mới dừng lại ở phê duyệt quy hoạch 1/500, chưa GPMB.
Ông Phùng Ngọc Nam, cán bộ địa chính phường Định Công cho biết: Năm 2018, khi quy hoạch 1/500 dự án mở rộng phía Bắc và Tây Bắc khu Đô thị mới Đại Kim - Định Công (Đại Kim - Định Công) được phê duyệt, trên mạng xã hội đã xuất hiện manh nha thông tin về việc huy động vốn.
UBND phường đã báo cáo quận Hoàng Mai để chỉ đạo cơ quan chức năng nắm bắt, xử lý theo thẩm quyền, tuyên truyền để người dân biết dự án chưa GPMB.
Đại diện Sở KH&ĐT TP Hà Nội xác nhận, dự án Đại Kim - Định Công chưa có quyết định chủ trương đầu tư, thủ tục pháp lý để nhà đầu tư sử dụng quỹ đất đối ứng. Công ty Hoàng Hà huy động vốn là không đúng, bởi theo nguyên tắc, khi Nhà nước giao đất sẽ giao cho liên danh nhà đầu tư trong hợp đồng. Vị đại diện Sở KH&ĐT khuyến cáo: “Anh Nguyễn Hải Lăng nên đến tòa án để đề nghị giải quyết dân sự”.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: “Dù hợp đồng ký giữa ông Lăng và Công ty Hoàng Hà là dựa trên sự tự nguyện của các bên, nhưng xét về nội dung thì có thể đã vi phạm các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Vì thế, có thể nói các hợp đồng này là bất hợp pháp”.
Thu hồi đất một phần nhưng dỡ cả nhà
Liên quan đến hoạt động GPMB phục vụ dự án đường 2,5, Báo Giao thông nhận được phản ánh của ông Vũ Khắc Mẫn (phố Định Công, quận Hoàng Mai) về việc, gia đình ông không được nhận đền bù theo quy định và bị phá cả nhà.
Theo đó, căn nhà ông Mẫn sử dụng tại số 166A phố Định Công có diện tích 83,7m2, quận Hoàng Mai chỉ ban hành quyết định thu hồi diện tích 56,1m2, nhưng ngôi nhà bị phá dỡ hoàn toàn.
Cũng theo ông Mẫn, năm 2003, Phó chủ tịch TP Hà Nội lúc đó là ông Lê Quý Đôn ký Văn bản 2798, đồng ý nguyên tắc đề nghị của Sở Địa chính nhà đất (Sở TN&MT Hà Nội hiện nay), các hộ phải di chuyển nhà ở thuộc dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 được tái định cư trong Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công mở rộng.
Nhưng quá trình thu hồi nhà, ông Mẫn không có nhà tái định cư mà chỉ được hỗ trợ tiền thuê 5 triệu/tháng, với thời gian 6 tháng.
Trước đó, tháng 11/2005, UBND quận Hoàng Mai ban hành Quyết định Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 20 phương án đất nông nghiệp phục vụ công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng trạm nước sạch, nằm trong khu đô thị. Diện tích xây dựng trạm cấp nước quy hoạch là 3.578m2, nhưng quận Hoàng Mai thu hồi 18.026m2 (gấp 5 lần).
Chuyên viên Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, quá trình GPMB, người dân chỉ đồng ý giao phần đất nằm trong dự án, không giao phần đất nằm ngoài dự án. Do đó, mới thu hồi được 6.000/18.026m2; chi trả tiền bồi thường 967 triệu/2,9 tỷ phương án phê duyệt.
Đất tái định cư mang ra đấu giá
Năm 2012, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có báo cáo kết quả thanh tra công tác quy hoạch dự án xây dựng đường Vành đai 2,5.
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều tồn tại, thuộc trách nhiệm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai, dẫn đến nghi ngờ có sự sửa đổi quy hoạch đường 2,5, gây khiếu kiện phức tạp.
Bên cạnh đó là việc Hà Nội giao cho UBND quận Hoàng Mai xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại vị trí đã được quy hoạch xây dựng các công trình công cộng, kết hợp nhà ở phục vụ di dân GPMB (HH1-HH3).
Trước những tồn tại trên, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị TP Hà Nội làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm, đồng thời có biện pháp khắc phục vấn đề nêu trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận