Hạ tầng

Dự án cải tạo đường, cống thoát nước 300m, dân tình khổ ải 10 năm

30/01/2022, 16:15

Chỉ dài 300m, nhưng dự án cải tạo đường, cống thoát nước đường Trần Bình Trọng, quận 10 TP.HCM hơn 10 năm vẫn “đắp chiếu”.

Dự án hơn 10 năm vẫn còn nằm trên giấy

Ngày 30/1, nhiều người dân trên đường Trần Bình Trọng, phường 1, quận 10, TP.HCM phản ánh, họ khốn khổ vì dự án cải tạo đường, cải tạo cống thoát nước dài chỉ 300 mét nhưng hơn 10 năm vẫn còn nằm trên giấy.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đoạn cống thoát nước được lắp đặt trên đường Trần Bình Trọng kéo dài từ nút giao Lý Thái Tổ đến Hùng Vương.

Người dân nơi đây cho hay, đây là tuyến cống có từ thời Pháp, trải qua thời gian bị xuống cấp, phải thay mới kết hợp cải tạo mở rộng đường.

img

Đường Trần Bình Trọng nhỏ hẹp chưa được nâng cấp, mở rộng.

Hiện mặt đường chỉ rộng khoảng 3 mét, khi có một ô tô nhỏ đi vào là con đường bị tắc nghẽn, xe máy phải luồn lách sát vào vỉa hè để đi qua. Người dân hai bên đường chủ yếu sống trong những ngôi nhà cũ, diện tích nhỏ hẹp, lợp bằng mái tôn.

Ông Trần Ngọc Trí, 55 tuổi, người dân khu vực này cho biết, cách đây hơn 10 năm, có đơn vị thi công đưa máy đến đào giữa tim đường để khảo sát vị trí đặt cống thoát nước.

“Tuy nhiên khi thi công được một đoạn phải ngưng vì người dân phản ánh nguy cơ làm hư hỏng nhà cửa hai bên. Dự án từ đó đến nay đình trệ vì địa phương chưa thống nhất vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng với người dân”, ông Trí nói.

Theo bà Trần Thị Yến, 49 tuổi, sống bằng nghề làm tóc ở đường Trần Bình Trọng, chính quyền địa phương đưa mức giá đền bù khoảng 50 triệu đồng mỗi m2.

“Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình vì đền bù quá thấp, không sát giá thị trường vì đây là khu vực trung tâm thành phố, giá đất không dưới 100 triệu mỗi m2. Có hơn trăm hộ dân nhiều năm không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa do ở trong khu vực dự án", bà Yến cho biết.

img

Do không được sửa chữa, nâng cấp, nhà bà Yến nhỏ hẹp và xuống cấp.

Nhà bà Yến chỉ rộng 24m2 nhưng có 8 người sống cùng, mọi sinh hoạt rất bất tiện vì nhà quá chật. Đêm đến con cháu bà Yến phải kê giường xếp nằm sát lề đường để ngủ.

“Chủ trương nhà nước chúng tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng khoản đền bù không đủ mua được nhà mới thì sao chúng tôi giao mặt bằng”, bà Yến nói

Bà Yến cùng một số người dân trên đường Trần Bình Trọng muốn được bồi thường mức giá gần với giá thị trường, để có thể tìm nơi ở mới.

Chính quyền địa phương nêu nguyên nhân

Trả lời PV, bà Nguyễn Thị Lâm Tuyền, Chủ tịch UBND phường 1, quận 10 cho biết, hầu hết những hộ dân trong dự án đều không có giấy chứng nhận nhà đất, nên việc đền bù sẽ thực hiện theo quy định luật đất đai đối với nhà giấy viết tay.

Địa phương cùng với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận đưa ra giá đất thu hồi để bồi thường (giá T1) cho những hộ dân bị ảnh hưởng.

img

Nhà dân trên đường Trần Bình Trọng nhỏ hẹp, người dân bên đường khốn khổ.

“Phường cũng tạo điều kiện cho người dân làm đơn xin sửa chữa nhà ở nếu có nhu cầu, nhưng phải đảm bảo không thay đổi hiện trạng ngôi nhà vì khu vực đang nằm trong dự án”, bà Tuyền nói.

Theo bà Tuyền, hiện chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng để dự án sớm được triển khai.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết dự án cải tạo đường và hệ thống thoát nước đường Trần Bình Trọng gồm 2 dự án thành phần.

Dự án xây lắp do Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư, hiện trong giai đoạn nghiên cứu, lập dự án, do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 10 làm chủ đầu tư.

Sở Xây dựng đánh giá chi phí phần lớn của dự án là đền bù giải phóng mặt bằng, do đó để sớm triển khai, người dân dọc tuyến đường cần tạo điều kiện thuận lợi để địa phương đẩy nhanh tiến độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.