QL91 sau khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng đã khơi thông cửa ngõ TP Cần Thơ đi các tỉnh An Giang, Kiên Giang và đi Campuchia |
Địa phương đồng thuận vị trí đặt trạm thu giá
Dự án cải tạo, nâng cấp QL 91 hoàn thành góp phần kết nối giữa TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Campuchia tạo động lực phát triển KT-XH vùng ĐBSCL. Các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án, vị trí đặt trạm BOT thu giá hoàn vốn đều được sự “gật đầu” thống nhất chủ trương từ địa phương.
Công ty CP Đầu tư BOT QL91 Cần Thơ - An Giang cho biết: Ngày 3/3/2014, Bộ GTVT đã có Quyết định số 579 phê duyệt thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km 14+000 - Km 05+889 theo hình thức BOT. Dự án do Liên danh Sonadezi-Cường Thuận IDICO là nhà đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.720 tỷ đồng. Dự án có hai phân đoạn gồm: QL91 đoạn Km 14+00 - Km 50+889 và QL91B đoạn Km 0+000 - Km 15+793. Để hoàn vốn cho dự án có 2 trạm thu giá gồm trạm T1 (phường Phước Thới, quận Ô Môn) và trạm T2 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt).
Đại diện nhà đầu tư cho biết, vị trí đặt trạm thu giá T1, T2 đã tuân thủ đúng trình tự thủ tục phê duyệt dự án và được sự thống nhất của địa phương. Cụ thể, trong năm 2014, thường trực HĐND TP Cần Thơ đã có văn bản thống nhất chủ trương đầu tư cải tạo QL91B ghép vào Dự án đầu tư cải tạo nâng cấp QL91 từ Km 14+00 (giao QL91B) - Km 50+889 theo hình thức BOT và vị trí đặt 2 trạm thu giá theo đề nghị của UBND TP Cần Thơ. Sau đó, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cũng đã có văn bản thống nhất chủ trương và vị trí đặt trạm hoàn vốn dự án QL91.
Ngày 9/3/2014, dự án cải tạo, nâng cấp QL91 được khởi công đáp ứng niềm mong mỏi của hàng nghìn hộ dân hai bên đường. Con đường mơ ước của hàng nghìn hộ dân, hứa hẹn mở toang cánh cửa giao thương, phát triển các địa phương Kiên Giang, TP Cần Thơ, An Giang và đi nước bạn Campuchia. Đây được xác định là một dự án giao thông quan trọng, nằm trong hợp phần hạ tầng ĐBSCL. Trước thời điểm khởi công, QL91 có bề rộng mặt đường nhỏ hẹp chỉ khoảng 5-6m, gồm 2 làn xe, đường xuống cấp không đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của vùng. Trước nhu cầu đó, việc nâng cấp mở rộng tuyến giao thông huyết mạch này là vô cùng cần thiết và cấp bách. Sau khi được nâng cấp, mở rộng, đường gồm 2 làn xe cơ giới, bề rộng mặt đường là 11m, tổng chiều dài tuyến đường khoảng 28km đã phát huy hiệu quả dự án đúng như niềm mong đợi.
Đã miễn giảm giá vé vẫn gây rối
Không thể phủ nhận lợi ích các tỉnh ĐBSCL có được sau khi đưa vào khai thác tuyến QL91. Đó là nâng cao năng lực thông hành, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, giảm chi phí vận chuyển, góp phần tích cực phát triển KT-XH, giảm tỷ lệ các vụ TNGT…
Tuy nhiên, sau khi 2 trạm thu giá đi vào hoạt động, một số tài xế cho rằng, vị trí đặt trạm chưa đúng nên cố tình gây cản trở khiến giao thông nhiều lần tê liệt. Sau đó, Bộ GTVT đã chấp thuận giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các loại xe buýt, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ Kiên Giang (QL80) về An Giang (QL91) và ngược lại. Miễn giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các phương tiện của người dân có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm thu phí. Thế nhưng tình hình náo loạn, kẹt xe tại 2 trạm T1, T2 vẫn xảy ra gây mất ANTT tại địa phương vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sau khi đã có giải pháp miễn giảm hợp tình, hợp lý chủ đầu tư kiến nghị trường hợp lái xe vẫn cố tình tạo ra ùn ứ, kẹt xe trên quốc lộ, phải xem là hành vi phá hoại và bị xử lý theo pháp luật. Tổng cục Đường bộ VN cũng vừa kiến nghị Bộ GTVT có văn bản gửi UBND các tỉnh phối hợp cùng Bộ GTVT, có các biện pháp tuyên truyền rộng rãi đến người dân về chủ trương đầu tư và thu giá dịch vụ BOT giao thông và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, cố tình quấy rối gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận