Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại buổi làm việc ở Đồng Nai chiều 21/1.
Giải quyết vướng mắc, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng
Ngày 21/1, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đi kiểm tra hiện trường thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về công tác bàn giao mặt bằng 2 tuyến này.
Sau khi kiểm tra thực địa thi công và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tái định cư, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện công tác GPMB của 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai. Riêng tỉnh Đồng Nai phải thực hiện cùng một lúc công tác đền bù giải tỏa 5.000ha Sân bay Long Thành và cao tốc nên khối lượng công việc rất lớn. Đến nay, dự án cao tốc đã hoàn thành bàn giao mặt bằng trên 97,7% là điều rất đáng phấn khởi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương, đơn vị liên quan phối hợp vận động các hộ dân còn lại sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công. Đồng thời, đề nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư để người dân an cư lạc nghiệp.
Đối với các hộ dân còn khiếu nại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần giải quyết thỏa đáng thấu tình, đạt lý vì khiếu nại là quyền của người dân.
"Cần vận dụng những chính sách hiện có để người dân không bị thiệt thòi vì phải "nhường" đất ở, đất sản xuất. Khi các dự án cao tốc này hoàn thành đúng tiến độ thì địa phương cũng có sức bật mới, quy hoạch phát triển về đầu tư, phát triển đô thị...", ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, qua khảo sát, nguồn cung cấp vật liệu thi công khan hiếm là tình trạng chung trên các tuyến cao tốc đang triển khai, không riêng tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai. Nếu vấn đề này thuộc thẩm quyền của địa phương thì cần tạo điều kiện tháo gỡ tối đa. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cũng cần sớm được triển khai.
"Đối với các công trình thuộc bộ, ngành Trung ương, sau chuyến đi đoàn công tác sẽ tổng hợp và có ý kiến với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thi công dự án", ông Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng cần sớm tháo gỡ các vướng mắc để các dự án cao tốc thi công đúng tiến độ.
Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá cao nỗ lực của hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai về công tác bàn giao mặt bằng. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản không còn vướng mặt bằng thi công.
Thứ trưởng cho rằng, trước đây dự án nâng cấp mở rộng QL1 hoàn thành giai đoạn 2014-2015 chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là để giải tỏa ách tắc cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Vì thế tỉnh Đồng Nai cần giải quyết xong các vướng mắc còn lại, tạo thuận lợi thi công dự án.
Theo Thứ trưởng Nhật, quy trình quy hoạch, cấp giấy phép các mỏ vật liệu mất rất nhiều thời gian. Không riêng gì thi công cao tốc, Sân bay Long Thành khi thi công cũng đối mặt với tình trạng này. Do đó, trong thời gian chờ cấp phép các mỏ mới, các mỏ đất, đá hiện có cần gia hạn và nâng năng suất khai thác để đáp ứng thi công.
"Các dự án cao tốc là công trình trọng điểm Quốc gia nên trong quá trình thi công phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ. Các nhà thầu được lựa chọn thi công cao tốc đều là các đơn vị có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Quốc hội sẽ giám sát, các tổ chức xã hội khác, báo chí... cũng có quyền giám sát để đảm bảo chất lượng công trình", Thứ trưởng Nhật nói.
Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Thi công gặp khó vì... giá vật liệu tăng đột biến
Theo Ban QLDA 7, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tái định cư cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện đã được bàn giao mặt bằng sạch, đảm bảo đủ điều kiện triển khai thi công các gói thầu.
Đến nay tỉnh Bình Thuận đã bàn giao 99,8/100,8km, hiện vẫn còn 16 hộ chưa bàn giao. Trong quá trình thi công xuất hiện tình trạng người dân cản trở, gây khó khăn (đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn khiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường...). Đặc biệt, tại nút giao Đại Ninh (huyện Bắc Bình) hiện còn 4 hộ dân không đồng ý phương án bồi thường.
Thi công trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đoạn qua huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Ban QLDA 7 cũng cho biết, hiện các gói thầu thi công đảm bảo tiến độ nhưng đang gặp khó khăn về vật liệu xây dựng.
Qua điều tra và báo cáo của các nhà thầu, nguồn vật liệu trong khu vực chưa đáp ứng đủ nhu cầu thi công. Ngoài ra, các loại vật liệu đất, đá, cát được chào bán cao hơn rất nhiều so với thông báo giá của địa phương (khoảng 30.000 - 50.000 đồng/m3). Dự báo, lượng nước phục vụ thi công cũng sẽ khan hiếm khi mùa khô đến gần...
Tương tự, tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu cũng là nỗi lo của các nhà thầu thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Ông Nguyễn Văn Huấn - PGĐ Ban QLDA Thăng Long cho biết, đến nay công tác đền bù và bàn giao mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn vướng một số vị trí trên tuyến.
Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiểm tra thi công tại công trường cầu vượt Tỉnh lộ 765 (huyện Xuân Lộc).
Ban QLDA Thăng Long đang tiếp tục phối hợp với địa phương để sớm bàn giao diện tích đất còn lại và đẩy nhanh công tác di dời đường dây điện, cáp viễn thông, hệ thống cấp thoát nước… để sớm bàn giao cho nhà thầu thi công.
"Tiến độ dự án phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng vật liệu. Do đó, việc địa phương sớm hoàn thiện thủ tục cấp phép cho các mỏ vật liệu quy hoạch để khai thác phục vụ thi công cao tốc", ông Huấn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận