Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, một trong những dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội sau khi đưa vào khai thác tháng 9/2015 - Ảnh: Tạ Tôn |
Tuyến cao tốc là mong ước của người dân cả nước, nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc huy động vốn cũng không dễ dàng nên các ĐBQH đều thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ làm trước một số đoạn cấp thiết.
Nỗ lực đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu vận tải
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đồng tình cao việc đầu tư trước một số đoạn trong toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam bởi chúng ta đang có nhiều khó khăn về huy động nguồn lực. Về quy mô và phân kỳ đầu tư, ông Mẫn lưu ý cần có tầm nhìn xa, chính xác để không có tình trạng xây cao tốc xong sau vài năm đã lạc hậu. Về phương án đầu tư, ĐB đồng tình việc áp dụng tất cả các cơ chế, vừa đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vừa huy động các thành phần, nguồn lực xã hội khác. Trong đó, trước mắt tập trung dồn sức cho công tác bồi thường, tái định cư để có mặt bằng triển khai dự án, vì thực tế lâu nay các dự án kéo dài, chậm tiến độ đều do vướng ở điểm này.
Tính toán kỹ suất đầu tư Phân tích về tổng vốn đầu tư 118.716 tỷ đồng cho 654 km, ĐB Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM cho rằng, suất đầu tư bình quân 181,5 tỷ đồng cho 1km, thấp hơn số tiêu chuẩn đầu tư vào mỗi km đường cao tốc do Bộ Xây dựng công bố và nhiều dự án cao tốc khác đã làm trước đây. “Suất đầu tư thấp khiến chúng ta lo lắng vì trong quá trình làm đội vốn sẽ phải xin lại chủ trương đầu tư mới, sửa Nghị quyết, điều chỉnh dự án... sẽ rất rườm rà. Chính phủ, Bộ GTVT nên tính toán kỹ suất đầu tư này, trong đó cần đưa thêm khoản dự phòng”, ông nói. Ngoài băn khoăn về nguồn vốn khá lớn, các ĐB cũng băn khoăn về năng lực nhà thầu tham gia dự án, đồng thời đề nghị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần quy định rõ năng lực của nhà thầu. |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - người đứng đầu cơ quan thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Dự án cao tốc Bắc - Nam cho biết, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đã phản ánh rất trung thực về sự cần thiết của dự án. “Chúng tôi đã rà soát kỹ nhu cầu cần thiết trong bối cảnh đầu tư công của chúng ta có hạn. Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta rất lớn, giao thông đầu tư đến đâu kinh tế phát triển đến đó, nhưng vì vốn có hạn nên phải chọn những đoạn cần thiết, cấp bách để ưu tiên làm trước, có tiêu chí rõ ràng như gắn kết khu kinh tế, khu công nghiệp ở những vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực lan toả cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, ông Thanh nói.
Về hình thức và cơ chế, ông Thanh cho rằng, trong bối cảnh vốn đầu tư công hạn chế, phải huy động các nguồn lực xã hội, vốn của Nhà nước được coi là vốn mồi kích thích, thu hút các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, ông Thanh băn khoăn về cơ chế thu hút đầu tư BT, BOT, hình thức đầu tư theo đối tác công - tư và mong muốn sớm có luật để có cơ sở pháp lý, có cơ chế rõ ràng, minh bạch thu hút nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài. “Cái khó hiện nay trong cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài là bảo lãnh doanh thu, cơ chế giá, chuyển đổi ngoại tệ, nhưng bối cảnh hiện nay khó mà gỡ được cơ chế này. Để có cơ chế đấu thầu thu hút nhà đầu tư trong nước thì cần đưa ra mức giá ban đầu và lộ trình tăng giá 24 năm của một dự án đầu tư theo hình thức BOT, nhưng cái này lại không phù hợp với Luật Giá. Không có cơ chế thì khó, nhưng đưa ra thì mắc ở Luật Giá”, ông Thanh băn khoăn và đề nghị các ĐBQH cho ý kiến để vừa có cơ chế, vừa huy động được nguồn vốn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu thảo luận tại tổ chiều 8/11. Ảnh: Quang Khánh |
“Việc gì có lợi cho dân thì phải làm”
ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) đề cập đến cơ chế và hình thức đầu tư, theo đó một phần dùng ngân sách Nhà nước, phần còn lại huy động các nguồn vốn xã hội, làm theo các hình thức BT, BOT. “Về hình thức đầu tư BOT, nên khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng vốn ưu đãi, vì nếu có vốn ưu đãi thì vé bán sẽ không cao. Người dân muốn có đường tốt nhưng rất sợ tốn quá nhiều tiền. Với các tuyến BOT, nếu sử dụng vốn ưu đãi thì tới đây sẽ không có khó khăn gì”, ông Chu nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu là Lạng Sơn, điểm cuối Cà Mau, nhưng lần này chỉ trình ra Quốc hội một số đoạn đầu tư giai đoạn 2017-2020, chọn đoạn nào cần thiết nhất để làm. Trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với phương án giao cho Uỷ ban TVHQ xem xét trên cơ sở Chính phủ trình để quyết định nhanh và linh động hơn, vì nếu báo cáo Quốc hội thì có thể bị ảnh hưởng vì Quốc hội một năm chỉ họp hai lần.
Với việc đầu tư, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên xác định giá khởi điểm và mức giá từng thời kỳ để làm cơ sở mức giá đấu thầu, đảm bảo khả năng chi trả của người dân, phù hợp với khả năng chịu đựng của các nhà đầu tư. Hàng năm, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về tiến độ, khó khăn vướng mắc. Nhấn mạnh quan điểm cái gì có lợi cho dân thì làm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội ủng hộ phương án Chính phủ trình để Chính phủ có thể triển khai. Theo bà, vừa qua việc chiếu phim tài liệu về chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam trên hội trường Quốc hội rất thuyết phục, cho các ĐBQH thấy được tính cấp thiết của dự án.
Giải bài toán huy động vốn
ĐB Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank đánh giá, việc huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án này có khó khăn nhất định. “Từ trước đến nay, nếu huy động từ nguồn vốn nước ngoài phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định từ nay trở đi không có chuyện Chính phủ bảo lãnh để vay vốn nước ngoài. Như vậy rất khó để huy động vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài nếu đầu tư vào đòi hỏi rất nhiều cơ chế, sự ưu đãi…”, ông Thắng phân tích.
Một điểm nữa ông Thắng băn khoăn là nếu đầu tư vào và thực hiện thu phí mà liên tục bị đình trệ, trả tiền lẻ như thời gian qua, thì nhà đầu tư nước ngoài có lẽ cũng chỉ dám đầu tư một lần. Vì thế, theo ông Thắng, khả dĩ nhất là huy động nguồn đầu tư trong nước. Trong khi đó, có 4/8 dự án này có số vốn đầu tư rất lớn, nhà đầu tư không thể thực hiện được mà phải cần nhiều nhà đầu tư góp vốn. “Mà góp vào thì cũng chỉ được 15% theo quy định hiện nay. Nên nguồn vốn huy động chắc chắn phải được huy động từ các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, như những gì diễn ra trong thời gian vừa qua, các ngân hàng rất hạn chế đầu tư vào các dự án BOT. Do vậy, tôi nghĩ rằng cần phải có phương án để chúng ta lấp vào”, ông Thắng kiến nghị.
Đề cập tới lượng lớn dự án thành phần sẽ đầu tư theo hình thức BOT, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, đầu tư BOT rất cần khi vốn hạn hẹp, nhưng khi triển khai dự án cần rút kinh nghiệm trong triển khai dự án theo hình thức này trước đó. Ông Ngân cũng quan ngại số vốn nhà đầu tư cần vay để triển khai 8 dự án thành phần BOT trên 50.790 tỷ đồng là khá lớn. “Nếu nhà đầu tư tư nhân vay số tiền này thì tỷ số nợ sẽ là 4.0, vậy ai sẽ cho vay? Chưa kể dự án này không phải của nhà đầu tư, nên họ không thể đem đi thế chấp vay”, ông Ngân nói và đề xuất, để đảm bảo 8 dự án thành phần này kêu gọi thành công nhà đầu tư, nên có chính sách đồng tài trợ của ngân hàng, đảm bảo khoản vay triển khai theo đúng tiến độ, lãi suất công bằng cho 8 dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận