Ngày 13/5, Sở GTVT Tiền Giang cho biết, Ban QLDA dân dụng tỉnh đã mời thầu các gói thuộc dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (thành phần 2 phía Tiền Giang) gồm: Tư vấn lập hồ sơ môi trường, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và thi công xây dựng công trình… Dự kiến, ngày 16/5 mở thầu.
Cùng với đó, UBND huyện Cái Bè đã tiếp nhận nguồn vốn giải phóng mặt bằng (GPMB) trên 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, phê duyệt chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời mồ mả cho 473 hộ dân tại các xã Tân Hưng, An Thái Trung và khu tái định cư với số tiền 849,494 tỷ đồng.
Đến nay, huyện đã chi trả trên 714 tỷ đồng, trong đó, chi phí di dời mồ mả trên 2 tỷ đồng, còn lại bồi thường GPMB cho 382 hộ dân.
UBND tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với tỉnh Đồng Tháp đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án thành phần 2, để trong tháng 7/2024 khởi công.
Trước đó, Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Theo quyết định, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 7.496 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguyên nhân chính dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng do tăng chi phí GPMB và điều chỉnh chi phí xây dựng.
Dự án thành phần 1 qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp có tổng mức đầu tư khoảng trên 3.600 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB khoảng 623 tỷ đồng. Dự án này đã được tỉnh Đồng Tháp khởi công trong tháng 6/2023.
Dự án thành phần 2 có tổng số vốn đầu tư khoảng trên 3.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng trên 1.000 tỷ đồng.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận