Đây là dự án cấp thiết giải quyết nhu cầu cấp nước sạch cho người dân xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) theo quy mô dự án hiện tại, về lâu dài có thể mở rộng quy mô để cấp nước cho các xã trong khu vực.
“Hơn 8 năm rồi, chờ đợi quá lâu quá bức xúc chừ cả xóm dọc đường QL1 ni phải khoan giếng hết rồi”, bà Lê Thị Vân nhà ở thôn Mỹ Chánh, cách công trình Nhà máy nước Hải Chánh dở dang chỉ vài chục mét cho hay.
Một góc trạm xử lý dự án hệ thống cấp nước xây dở dang rồi bỏ hoang nhiều năm nay
Dự án cấp nước hơn 30 tỷ dở dang...
Dự án xây dựng hệ thống cấp nước xã Hải Chánh được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 497 ngày 30/3/2010, nguồn vốn đầu tư là ODA song phương của Chính phủ Italia theo chương trình Hỗ trợ hàng hóa vật tư ngành nước – giai đoạn II và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 2376 ngày 2/12/2009.
Dự án đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý nước sạch đủ tiêu chuẩn cấp nước với công suất là 2.000m3/ngày, đêm. Tổng mức đầu tư được điều chỉnh tại Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 23/1/2014 là hơn 30,8 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ODA Italia cấp bằng hàng hóa vật tư là 8,27 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách hơn 19 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp của Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Quảng Trị (nay là Công ty CP Nước sạch Quảng Trị) và nhân dân hơn 3,4 tỷ đồng.
Dự án hệ thống cấp nước trên gồm Trạm xử lý xây dựng có diện tích 0,4 ha. Mạng tuyến ống phân phối, truyền dẫn D≥ 100mm dài 6.338m và hơn 17.000m ống nhánh và dịch vụ đấu nối đến 1.100 hộ gia đình. Nguồn nước mặt lấy tại sông Ô Lâu tại thôn Mỹ Chánh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 - 2015.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng cơ bản hoàn thiện phần thô các hạng mục hạ tầng tại Trạm xử lý như nhà điều hành, trạm bơm, công trình thu, bể xử lý bùn, tường rào kiên cố bao quanh... thì tạm dừng, rồi rơi vào bỏ hoang từ đó cho đến nay.
Dự án dở dang nhiều năm hiện xuống cấp, thành nơi chứa rơm khô, trâu bò trú ngụ
Bà Lê Thị Vân nói rằng, người dân nơi đây nghe có nước sạch quá vui mừng. Nhưng sau một thời gian triển khai thì dở dang, bà con chờ đợi quá mỏi mòn đành phải bỏ tiền ra làm giếng khoan, mỗi giếng hết 8 – 12 triệu đồng.
“Nhưng nước giếng đào, giếng khoan ở đây chủ yếu dùng cho tắm giặt, mùa hè nước giếng cũng khô, còn nước uống nhà nhà phải mua vài bịch nước lọc về để dùng dần quanh năm”, bà Vân cho biết thêm.
Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, dự án dở dang rồi dừng thi công từ 2015 đến nay khiến người dân rất bức xúc.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri ĐBQH, HĐND tỉnh, người dân cũng như chính quyền địa phương đều bày tỏ mong mỏi dự án sớm triển khai để hoàn thiện, nhưng đã bước qua năm 2022 rồi vẫn “bất động”.
Phương án nào cho dự án hơn 30 tỷ lâm cảnh “bỏ hoang”?
Đáng chú ý, ngày 26/11/2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với UBND huyện Hải Lăng.
Trong đó, đối với dự án cấp nước Hải Chánh, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Công ty CP Nước sạch Quảng Trị (gọi tắt Công ty nước sạch) tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Tài chính và Đại sứ quán Italia để tiếp tục triển khai dự án.
“Trường hợp đối tác khó khăn không thể tiếp tục thực hiện, giao Sở KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh tái cấu trúc nguồn vốn đầu tư để hoàn thành dự án trong năm 2021”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 23/6/2017, UBND tỉnh cũng đã có văn bản về việc thực hiện công trình hệ thống cấp nước trên.
Tại văn bản này, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong lúc chờ ý kiến chính thức của Bộ Tài chính về việc thực hiện gói thầu mua sắm thiết bị do Chính phủ Italia tài trợ, UBND tỉnh đồng ý cho phép Công ty nước sạch tái cấu trúc lại nguồn vốn thực hiện công trình hệ thống cấp nước xã Hải Chánh như đề xuất của Sở KH&ĐT tại văn bản ngày 8/6/2017.
Công ty nước sạch hoàn chỉnh hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định.
“Trong trường hợp Chính phủ Italia không gia hạn Hiệp định, đồng nghĩa với việc Chính phủ Italia không cấp vốn để thực hiện dự án, UBND tỉnh đồng ý cho phép công ty nước sạch sử dụng nguồn lợi tức cổ phần nhà nước (năm 2016, 2017) do công ty nộp vào ngân sách để cấp vốn thi công các hạng mục còn lại nhằm hoàn thiện, đưa công trình vào hoạt động”, văn bản của UBND tỉnh nêu.
Ngày 29/5/2020, UBND tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính nội dung liên quan đến việc thực hiện các dự án thuộc hạng mục thuộc Chương trình hỗ trợ hàng hóa ngành nước giai đoạn 2 (Italia), trong đó có công trình hệ thống cấp nước xã Hải Chánh...
Liên quan đến dự án dở dang này tại huyện Hải Lăng, lãnh đạo UBND huyện cho biết, dự án liên quan đến Hiệp định song phương đã ký, trường hợp hợp muốn tái cấu trúc cũng phải phải được sự đồng ý của các bên...
Trạm xử lý thuộc dự án nhìn từ cầu vượt đường sắt trên QL1
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, dự án trên được đầu tư đã lâu bằng nhiều nguồn vốn khác nhau (vốn ODA, vốn đối ứng trong nước, vốn chủ đầu tư, kinh phí do nhân dân đóng góp), nhưng do chậm trễ thực hiện gói thầu cung cấp vật tư từ Bộ Tài chính chuyển giao, đồng thời hiện nay đã hết thời hạn thực hiện Hiệp định viện trợ và chưa tiến hành đàm phán gia hạn hiệu lực nên công trình bị dừng thi công từ năm 2015, gây bức xúc trong nhân dân đặc biệt là phản ánh của cử tri trong các kỳ họp HĐND tỉnh.
Để tiếp tục hoàn thành dự án và đảm bảo nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh giao Công ty nước sạch rà soát tổng mức đầu tư dự án và tính toán khối lượng còn lại phải thực hiện để hoàn thiện công trình;
Đề xuất các phương án đầu tư (phương án nguồn vốn như ban đầu, phương án ngân sách tỉnh đầu tư, phương án huy động nguồn vốn của nhà đầu tư và đóng góp của nhân dân...) hoàn thành trước ngày 25/1/2022, gửi Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất UBND phương án xử lý.
Tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Sở Tài chính liên hệ với các cơ quan liên quan để tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Tài chính tiếp tục đàm phán gia hạn hiệu lực thực hiện Hiệp định viện trợ nhằm tranh thủ nguồn vốn ODA trong bối cảnh ngân sách tỉnh đang khó khăn; đồng thời nghiên cứu các phương án đầu tư do Công ty nước sạch đề xuất để tham mưu UBND tỉnh xem xét lựa chọn phương án phù hợp trước ngày 31/1/2022.
>>>> Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại dự án cấp nước hơn 30 tỷ bỏ hoang:
Đường vào dự án hệ thống cấp nước...
Hệ thống tường rào bên cổng vào
Nhà điều hành, trạm bơm... trên khuôn viên để hoang cho cỏ mọc
Hệ thống trang thiết bị... chưa được trang bị
Bể tại trạm xử lý cũng mọc rêu...
Một số hạng mục phần thô còn dở dang, xuống cấp
Người dân "trưng dụng" làm nơi chứa rơm
... Nơi cho trâu bò trú ngụ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận