Công trình vượt tiến độ
Có mặt trên công trường dự án cầu Châu Đốc (tỉnh An Giang), PV Báo Giao thông ghi nhận không khí làm việc của công nhân rất khẩn trương. Máy móc, thiết bị được huy động vận hành rộn rã, công nhân căng lực tập trung vào công việc...
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang - chủ đầu tư, cho biết "Đến nay, dự án đạt tiến độ 80%, vượt gần 30% so với kế hoạch đề ra. Đây là nỗ lực rất lớn của các nhà thầu thi công".
Đến nay, phần cầu đã xong kết cấu mố trụ, lao lắp xong 9/10 nhịp dẫn hai bờ, nhịp chính có kết cấu đúc hẫng cân bằng sẽ hợp long trong tháng 12/2023. Trong khi đó, đường dẫn vào cầu đã thi công đến lớp cấp phối đá dăm mặt đường...
"Từ khi nhận dự án này, chúng tôi đề ra mục tiêu sẽ hoàn thành và đưa vào giữa năm 2024 để có thể kết nối liên tỉnh, tạo đà bứt phá cho Đồng bằng sông Cửu Long", một nhà thầu thi công cho biết.
Theo ông Du, dự án được thực hiện hai phần. Thứ nhất là phần đường dẫn vào cầu được thực hiện theo tiêu chí cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 60km/h. Tuyến chính có tổng bề rộng nền đường là 12m, trong đó mặt đường xe chạy là 7m (hai làn xe).
Tuyến nối ra đường tỉnh 953 thiết kế đường cấp IV đồng bằng có vận tốc thiết kế là 60km/h, bề rộng nền đường là 9m, trong đó mặt đường xe chạy là 7m (hai làn xe).
Hai nhánh nối nút giao đường tỉnh 951 thiết kế đường cấp V đồng bằng, vận tốc thiết kế 30km/h, bề rộng nền đường là 7,5m, trong đó mặt đường xe chạy là 5,5m (hai làn xe).
Thứ hai là phần cầu, được xây dựng bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, nối thị xã Tân Châu và thành phố Châu Đốc. Mặt cắt ngang cầu rộng 14m đảm bảo cho hai làn xe cơ giới (2x3,5m) + hai làn xe hỗn hợp (2x3.0m) và lan can cầu (2x0.5m).
Tổng chiều dài cầu tính đến hai đuôi mố là 667m, trong đó, chiều dài cầu chính 260m; chiều dài cầu dẫn phía Tân Châu 213,55m và chiều dài cầu dẫn phía Châu Đốc 193,45m. Khổ thông thuyền ngang 75m và đứng 11m.
Công trình kết nối liên tỉnh
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án cầu Châu Đốc có vai trò rất quan trọng bởi sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ kết nối với tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Đồng thời góp phần thông tuyến quốc lộ N1 với các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới - tức gắn kết các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang thông tin, tỉnh An Giang là một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ.
Hệ thống giao thông kết nối khu vực, ngoài quốc lộ 1 là tuyến trục chính kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, còn một số tuyến quan trọng như quốc lộ 62 nối từ quốc lộ 1 (Tân An) đến Mộc Hóa; tuyến quốc lộ 30 nối từ quốc lộ 1 qua Cao Lãnh, đến Hồng Ngự, Tân Hồng; quốc lộ 91 nối quốc lộ 1 đi Long Xuyên, Châu Đốc, tạo thành các tuyến đường ngang chính.
Cả khu vực biên giới giáp với Campuchia chưa hình thành các trục giao thông dọc. Do đó, nếu tuyến N1 (trong đó có đoạn tuyến từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) hình thành hoàn chỉnh sau khi có cầu Châu Đốc, không những góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch mà còn kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phía tây bắc, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển kinh tế các huyện, xã vùng biên giới...
Về du lịch, khi có cầu Châu Đốc cũng là một trong những thế mạnh của vùng, bởi nơi đây có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: Tràm Chim, Dinh Bà, Bà Chúa xứ núi Sam, Nhà Bàng - núi Cấm...
"Việc cầu Châu Đốc có thể hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch là dấu mốc quan trọng tạo nên kết nối giao thông liên hoàn, hoàn chỉnh.
Bởi đây là cây cầu có quy mô lớn, giá trị và kỹ thuật cao, bắc qua sông Hậu kết nối liền thị xã Tân Châu và thành phố Châu Đốc của tỉnh An Giang và cũng từng bước hoàn thiện các cầu trên tuyến N1 nối liền các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang", ông Du nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận