Toàn cảnh khu vực dự án
Dự án chậm tiến độ 4 năm
Chiều ngày 7/12, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Tùng, Trưởng phòng quản lý Doanh nghiệp - Kinh tế tập thể và tư nhân (Sở KH&ĐT) cho biết: Dự án đầu tư xây dựng Viện dưỡng lão và Công viên tâm linh Vĩnh hằng nằm trong diện xin giãn tiến độ, bởi chủ đầu tư đã tiến hành việc giải phóng mặt bằng, tuy nhiên còn 2 hộ dân chưa đồng tình. Từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa giãn tiến độ lần nào, đến nay đã chậm 4 năm.
Theo giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 1/4/2013, UBND tỉnh Hòa Bình chứng nhận Công ty cổ phần Tây Phương Cực Lạc Hòa Bình, địa chỉ trụ sở chính: Xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Mông Hóa, TP Hòa Bình). Nội dung thực hiện dự án đầu tư xây dựng Viện dưỡng lão và Công viên tâm linh Vĩnh hằng, địa điểm dự án tại Xóm Đễnh, xã Dân Hòa (nay là xã Mông Hóa, TP Hòa Bình) với diện tích đất sử dụng khoảng 98,218ha. Tổng vốn đầu tư 499.632.000.000 đồng.
Thời gian hoạt động của dự án đối với khu vực xây dựng viện dưỡng lão; sử dụng đất có thời hạn là 50 năm đối với khu nghĩa trang sử dụng đất lâu dài. Tiến độ thực hiện dự án từ tháng 4/2013 đến tháng 12/2013, thực hiện và hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng trong tháng 1/2014. Hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa các công trình dự án vào khai thác từ tháng 12/2016.
Quan điểm của luật sư về những sai phạm của dự án
Để hiểu rõ vấn đề về mặt pháp lý, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng VP Luật sư Thanh Sơn và Cộng sự. Ông Sơn phân tích, theo quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014, trường hợp dự án đầu tư sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 Luật Đầu tư (tức chưa có văn bản đề xuất giãn tiến độ đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thời hạn giãn tiến độ không quá 24 tháng, trừ thời gian khắc phục hậu quả bất khả kháng), thì sẽ thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động.
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng VP Luật sư Thanh Sơn và Cộng sự.
Theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 41 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư thì Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án, đồng thời thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận này là của UBND tỉnh Hòa Bình và Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hòa Bình.
“Về phía chủ đầu tư dự án, chủ đầu tư dự án đã triển khai xây dựng công trình nhưng không được cấp phép. Mà theo quy định tại Điều 89 Luật Đầu tư năm 2014 thì công trình này không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét công trình xây dựng này đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 hay chưa? Nếu thỏa mãn trường hợp này, căn cứ quy định tại Luật Đầu tư sửa đổi bổ sung năm 2020 thì kể từ ngày 01/01/2021, công trình này sẽ không phải xin phép xây dựng.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 15 và khoản 12 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng thì hành vi xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, ngoài ra còn bị lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu dừng thi công công trình để làm các thủ tục cấp phép xây dựng”.
Con đường dẫn vào dự án
“Đến thời điểm hiện tại, căn cứ điểm c, khoản 2 Điều 41 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vẫn có hiệu lực do chưa có quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư của dự án. Trong trường hợp này, UBND tỉnh Hòa Bình đã không kịp thời trong quản lý dự án đầu tư dẫn đến để dự án quá thời hạn thực hiện nhưng vẫn không thu hồi. Điều này là thiếu công bằng với nhiều chủ đầu tư có nhu cầu khác trong hoạt động đầu tư, lãng phí quỹ đất trong thời gian từ năm 2014 đến nay” luật sư Sơn cho biết thêm.
Trước đó, ngày 5/12, liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Viện dưỡng lão và Công viên tâm linh Vĩnh hằng của Công ty cổ phần Tây Phương Cực Lạc Hòa Bình. Ông Bùi Quang Điệp - Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết, hiện đã yêu cầu dừng hoạt động san lấp tại dự án và đang lập hồ sơ để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, theo UBND TP. Hòa Bình, qua kiểm tra dự án chưa có hồ sơ thuê đất, chưa có hồ sơ về san, hạ mặt bằng theo quy định tại Quyết định 36/2015/QĐ-UBND ngày 26/11/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường; chưa được cấp Giấy phép xây dựng, chưa có thiết kế cơ sở, thiết kế thi công; Ủy ban nhân dân TP Hòa Bình chưa có văn bản chấp thuận về việc san, hạ mặt bằng đối với dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận