Ba lợi ích của dự án điện hạt nhân
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/12, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết về tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nghiên cứu phát triển dự án điện hạt nhân.
Về tổng mức đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Tân cho biết để xác định mức đầu tư cần nhiều yếu tố. Dự kiến báo cáo sơ bộ, dự án có quy mô lên tới hàng tỷ USD nhưng để xác định cụ thể thì còn phụ thuộc quy mô, yêu cầu công nghệ, đòi hỏi yêu cầu an toàn cho dự án.
Theo ông Tân, lợi ích lớn nhất của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có 3 điểm. Thứ nhất là tạo nguồn năng lượng lượng nền sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kép trong xu thế phát triển xanh, năng lượng tái tạo hiện nay.
"Nếu không có năng lượng nền để cân đối với sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo thì sẽ rất nguy hiểm. Cùng với điện hạt nhân, các loại hình năng lượng khác sẽ đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng đi kèm phát triển năng lượng xanh", ông Tân nói.
Ngoài ra, điện hạt nhân cũng tạo nguồn năng lượng an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và cả nước, tương lai hướng ra xuất khẩu, đặc biệt khi ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao.
Dự án cũng tạo động lực và nền tảng cho phát triển khoa học công nghệ cao, đặc biệt là khoa học năng lượng nguyên tử, từ đó thúc đẩy nền công nghiệp và nhân lực chất lượng cao.
Về những thuận lợi, khó khăn trong triển khai dự án, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, vì dự án đạt đồng thuận rất cao nên có rất nhiều thuận lợi.
Còn thách thức nằm ở việc lựa chọn công nghệ, đảm bảo an toàn, khả năng xảy ra sự cố. Ngoài ra, cần lưu ý những khuyến nghị của tổ chức quốc tế, khuyến cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử trong phát triển điện hạt nhân.
"Chúng ta từng bước thận trọng sẽ thực hiện được dự án", ông Tân nói và nhấn mạnh thêm công nghệ điện hạt nhân rất là tiên tiến, đảm bảo an toàn.
Dự kiến thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng đứng đầu
Về hành lang pháp lý, ông Tân cho hay, hiện Chính phủ đã giao cho các bộ ngành liên quan và Bộ Công thương chủ trì nghiên cứu báo cáo, trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện thể chế pháp luật.
"Rất mừng, tại kỳ họp vừa rồi, Quốc hội thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó đã có các nội dung liên quan đến điện hạt nhân. Như vậy, hành lang pháp lý liên quan đến phát triển điện hạt nhân đã có", ông Tân nói.
Ngoài ra, trong tuần này Chính phủ họp và thông qua việc báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, làm rõ các vấn đề công nghệ, an toàn về điện hạt nhân.
"Khi có những luật như vậy sẽ đầy đủ cơ sở pháp lý, liên quan đầu tư, xây dựng, an toàn, môi trường… để thực hiện", ông Tân chia sẻ.
Bộ Công thương cũng tham mưu Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng nhà máy điện hạt nhân và tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Ban chỉ đạo sẽ do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, một phó thủ tướng là phó trưởng ban thường trực, ngoài ra các thành viên là Bộ trưởng các bộ ngành liên quan.
Tổ công tác thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo và dự kiến bao gồm đại diện của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học trong phát triển điện hạt nhân. Tổ trưởng tổ công tác là Bộ trưởng Bộ công Thương.
Ngoài ra, Bộ cũng sớm trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điện 8. Theo ông, đây là nội dung quan trọng, là cơ sở pháp lý để hiện thực hóa chủ trương của Quốc hội và Trung ương.
Cùng đó, Bộ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn chủ đầu tư dự án. Theo ông Tân, đây cũng là vấn đề quan trọng vì là chủ thể đặc biệt gắn với triển khai, đề xuất, nghiên cứu, xây dựng và vận hành dự án.
Đối với địa phương, ông Tân cho hay, lãnh đạo tỉnh cần nghiên cứu, sớm tạo điều kiện mặt bằng sạch, tạo sự đồng thuận của người dân địa phương, tạo thuận lợi nhất trong quá trình triển khai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận