Thống kê sơ bộ hiện cả nước có khoảng hơn 25 dự án nhà máy điện sử dụng khí hoá lỏng (LNG) đã và đang được xem xét bổ sung quy hoạch. Tuy nhiên, tới nay khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án này vẫn chưa được hoàn thiện.
Triển khai gặp nhiều khó khăn
Được biết, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) - đơn vị thành viên PVN, đang triển khai 2 dự án LNG gồm dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ với tổng mức đầu tư khoảng 1,35 tỷ USD và dự án kho chứa LNG Thị Vải, được xây dựng tại Cụm công trình khí Kho cảng Thị Vải, với tổng mức đầu tư khoảng 285,8 triệu USD.
Dự kiến giai đoạn 1 của kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ sẽ được đưa vào vận hành từ quý 4/2023 (đồng bộ với tiến độ dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 2); còn LNG Thị Vải sẽ đưa vào vận hành từ quý 2/2022 cung cấp LNG cho dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4, cũng như các nhà máy điện trong khu vực Nhơn Trạch, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng với các dự án trên, trong thời gian qua, PVN đã tập trung nguồn lực để đưa các mỏ dầu và khí mới vào khai thác. Cụ thể, PVN đã và đang tập trung phát triển các mỏ thuộc các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí (Lô B, Cá Voi Xanh), cũng như đầu tư phát triển những lô, mỏ thuộc các khu vực hiện tại đang khai thác để gia tăng sản lượng dầu khí.
Tuy nhiên, dự án Lô B chỉ có thể đón dòng khí đầu tiên vào tháng 9/2024 nếu như các vướng mắc về đầu tư dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 được tháo gỡ, đồng thời quyết định đầu tư (FID) được phê duyệt trước tháng 3/2021. Nếu không thì chuỗi dự án có nguy cơ sẽ tiếp tục chậm tiến độ.
Tương tự, chuỗi dự án Cá Voi Xanh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức lớn. Hiện, cấp thẩm quyền vẫn chưa phê duyệt khối lượng khí, khối lượng bao tiêu, cũng như tiến độ chính xác của các nhà máy điện nên các cam kết về bao tiêu trong hợp đồng mua bán điện (PPA) và khí (GSA) chưa rõ ràng. Cùng với đó là các vướng mắc liên quan đến đất đai (hành lang tuyến ống đi qua khu vực Cảng Hàng không Chu Lai).
Mới đây, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực đã có văn bản đề nghị sớm phê duyệt cơ chế giá điện, cơ chế tham gia thị trường điện của các nhà máy điện sử dụng khí LNG. Đặc biệt là sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách để thúc đẩy tiến độ nguồn khí Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện khác.
Cần có sự phối hợp, thống nhất
Việc sử dụng LNG cho sản xuất điện lại đòi hỏi việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ cao, với nguồn vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, nhiều dự án, chuỗi dự án khí - điện LNG đã được quy hoạch, thậm chí đã được cho phép chủ trương đầu tư vẫn chưa được triển khai hoặc bị kéo dài tiến độ chuẩn bị đầu tư.
Lý giải tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân đầu tiên bởi Việt Nam chưa hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) nên khó thu xếp tài chính cho dự án quy mô hàng tỷ USD.
Các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư còn vênh nhau từ Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường... và gần đây là Luật Quy hoạch.
Mặt khác, thẩm quyền, quy trình đánh giá lựa chọn chủ đầu tư cho dự án/chuỗi dự án khí - điện LNG cũng chưa được rõ ràng.
Trong khi để thực hiện dự án chuỗi cần liên kết chặt chẽ đồng bộ với nhau, từ khâu nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí, xây dựng các cơ sở hạ tầng chính gồm có cảng tiếp nhận LNG, bồn chứa LNG… tới cơ sở tái hóa khí LNG và các đường ống dẫn khí đến nhà máy điện để tiêu thụ...
Đáng chú ý, việc sử dụng LNG đòi hỏi công nghệ cao xử lý khí có nhiệt độ thấp và khí bay hơi, cho nên yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư phải có nhiều kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Để tránh nhiều dự án bị chậm nhiều năm hoặc khó khăn không thể thực hiện được do năng lực chủ đầu tư, cần có cơ chế lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm. Vấn đề này đã có quy định trong pháp luật về đấu thầu.
Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế đầu thầu chung để chọn chủ đầu tư. Thời gian qua, thẩm quyền lựa chọn không thống nhất gây lúng túng cho các bên liên quan.
Gần đây, Thủ tướng đã có văn bản cho bổ sung quy hoạch các dự án giai đoạn 1 của Trung tâm Điện lực LNG tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo giao UBND các tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án trên đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả tốt nhất cho đất nước. Từ đây, hoạt động triển khai mới có sự phối hợp từ địa phương tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025 - 2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000 - 19.000 MW. Đồng thời, trong Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1 - 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021 - 2025, tăng lên 6 - 10 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2026 - 2035.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận