"Vượt nắng, thắng mưa", quyết đưa dự án về đích trước kế hoạch
Những ngày cuối cùng của năm 2023, trên công trường dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 342 (kết nối Quảng Ninh với Lạng Sơn), không khí thi công nhộn nhịp, khẩn trương.
Lái chiếc xe trên tuyến đường sắp cán đích qua địa phận xã Thanh Lâm, Đạp Thanh ở huyện Ba Chẽ, ông Phạm Phúc Quảng, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư dự án chia sẻ, hiện dự án đang trong quá trình thảm nhựa bước một.
Dù nằm giáp TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, nhưng từ trung tâm huyện Ba Chẽ muốn về trung tâm của tỉnh thì chỉ có con đường tỉnh lộ 342 được đầu tư từ rất lâu đã xuống cấp, lại thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa bởi hệ thống ngầm tràn.
"Do vậy, việc triển khai dự án nâng cấp tỉnh lộ 342 sẽ mở ra cơ hội mới để huyện Ba Chẽ vươn lên phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời kết nối thuận lợi Quảng Ninh - Lạng Sơn", ông Quảng cho hay.
Khi tuyến tỉnh lộ 342 hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường đi từ Lạng Sơn đến (tính từ Km 74+700, quốc lộ 4B) đến TP Hạ Long chỉ khoảng 50km. Hiện nay, phía Lạng Sơn đã đầu tư đoạn nối đường tỉnh 342 đến quốc lộ 4B dài 9,8km.
Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn được khởi công ngày 1/1/2023. Đây là một phần của dự án tổng thể nâng cấp, mở rộng toàn bộ tuyến đường tỉnh 342 dài hơn 60km, với vốn đầu tư khoảng 4.800 tỉ đồng của Quảng Ninh để kết nối TP Hạ Long với tỉnh Lạng Sơn.
Ở giai đoạn 1, dự án có chiều dài 20,9km, đi qua địa bàn huyện Ba Chẽ (điểm đầu nối với xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long tại Km37+500, đường tỉnh 342; điểm cuối nối với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn tại Km58+405) có tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, 2 làn xe, rộng 9m, thực hiện cạp mở rộng và hạ dốc, cắt cua trên cơ sở hướng tuyến cũ. Trên tuyến thiết kế 4 cầu gồm: Thác Dạ, Thác Chạ, Khe Lũ, Khe Lào và 1 nút giao đồng mức giao cắt với tỉnh lộ 330; hệ thống thoát nước, phòng hộ và an toàn giao thông...
"Ngay sau khi khởi công, chủ đầu tư đã phân công cán bộ bám sát hiện trường để kiểm tra, đôn đốc; các nhà thầu cũng huy động tối đa phương tiện, nhân lực, tranh thủ thời tiết để thi công. Với đoạn tiếp giáp tỉnh Lạng Sơn, hiện đang thi công nền đường. Phía Lạng Sơn, đoạn nối với tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai từ đầu tháng 12/2023. Hai địa phương quyết tâm hoàn thành tuyến đường trong quý II/2024, vượt tiến độ 3 tháng", ông Quảng cho biết.
Đang kiểm tra tiến độ thi công trên đoạn tuyến của đơn vị, ông Phạm Hồng Cảnh, Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và phát triển Thanh Phong, đơn vị thi công cho biết, điều kiện địa chất và khí hậu khu vực này khá phức tạp, nhất là vào mùa mưa, đất đá rời rạc, nên xuất hiện nhiều điểm sạt, trượt trên mái taluy dương; hệ thống đường công vụ phục vụ thi công nhỏ hẹp lại qua khu dân cư,
"Tuy nhiên với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", doanh nghiệp đã bố trí thi công dứt điểm từng hạng mục, tăng ca, thêm giờ làm vào thời điểm thời tiết thuận lợi. Nhờ vậy, hiện đoạn tuyến của doanh nghiệp thi công chỉ còn một vài công đoạn cuối là hoàn thành", ông Cảnh khẳng định.
Đồng thuận bàn giao mặt bằng, phấn khởi chờ đường mới
Theo lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, sở dĩ dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 342 được thi công một cách thuận tiện, nhanh chóng như hiện nay là nhờ sự vào cuộc tích cực của chủ đầu tư, nhà thầu và sự quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) của chính quyền huyện Ba Chẽ.
Để thực hiện dự án, cần thu hồi hơn 75,3ha diện tích đất các loại như trồng lúa, rừng sản xuất, đất nông nghiệp của 163 tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn hai xã Thanh Lâm và Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ…
Nhận thức được mặt bằng là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo tiến độ dự án, cấp ủy chính quyền huyện Ba Chẽ đã nhanh chóng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phối hợp kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, các ban ngành đoàn thể từ xã đến huyện đã ngày, đêm bám bản, bám địa bàn để vận động người dân nhanh chóng đồng thuận ký phương án, nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Chỉ trong một thời ngắn, 100% các hộ đã đồng thuận phương án giải phóng mặt bằng. Thậm chí, nhiều hộ đã bàn giao ngay mặt bằng khi chưa nhận tiền.
Đứng ở ven đường nhìn những chiếc xe đang thảm nhựa, bà Trần Thị Hải ở thôn Khe Nháng, xã Thanh Lâm hồ hởi: "Bao năm nay, người dân nơi đây phải đi lại trên con đường nhỏ hẹp lại nhiều dốc gắt, vực sâu. Mỗi khi mưa lũ, muốn về thị trấn Ba Chẽ rất khó khăn".
"Giờ tuyến đường mới được mở, bà con ai cũng vui. Nhiều hộ còn phấn khởi hơn là được nhận tiền đền bù, nên năm nay chắc ăn Tết sẽ to lắm", bà Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận