Nga-Trung Quốc sớm ký thỏa thuận cung cấp "50 tỷ m3 khí đốt"/năm qua Sức mạnh Siberia 2
Nhận định trên được Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đưa ra trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya-1. Khi được hỏi về việc liệu Nga có thay thế Dòng chảy phương Bắc 2 bằng đường ống mang tên Sức mạnh Siberia 2 hay không, ông Novak đã khẳng định là "có".
Trước đó, bên lề chuyến thăm Uzbekistan, quan chức này cho hay Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký các thỏa thuận về việc cung cấp 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm qua đường ống Sức mạnh Siberia 2 trong tương lai.
Đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) và Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) từ Nga sang Trung Quốc. Ảnh - Gazprom
Khối lượng này gần như ngang bằng công suất vận chuyển tối đa của dự án Dòng chảy phương Bắc 1 (55 tỷ m3 khối) – vốn đã ngừng hoạt động kể từ ngày 2/9. Trước đó, đây là hạ tầng để vận chuyển 1/3 nguồn cung khí đốt của Nga tới Liên minh châu Âu.
Đường ống Sức mạnh Siberia 2 được nhận định sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Việc xây dựng đường ống này sẽ bắt đầu được thực hiện vào năm 2024.
Khi đó, đường ống này sẽ thay thế dự án Nord Stream 2 hiện chưa được phép vận hành và đã bị đình chỉ kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2.
Ông Novak cho biết, dự tính, trong cả năm 2022, xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU sẽ giảm khoảng 50 tỉ m3.
Cùng lúc, Gazprom – nhà vận hành đường ống Sức mạnh Siberia 1 để xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc từ cuối năm 2019 – sẽ tăng giao hàng lên 20 tỉ m3 khí đốt/năm, cũng theo ông Novak.
Trung Quốc sẵn sàng bắt tay với Nga như 1 cường quốc
Cũng liên quan tới mối quan hệ Nga – Trung Quốc, ngày 15/9, trong cuộc hội đàm song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thành phố Samarkand của Uzbekistan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Moscow với tư cách là "những cường quốc".
"Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực cùng Nga đảm nhận vai trò của các cường quốc cũng như đóng vai trò định hướng để thúc đẩy sự ổn định và lan tỏa năng lượng tích cực vào một thế giới bị rung chuyển vì bất ổn xã hội" - ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh - TPG
Về phần mình, Tổng thống Putin chỉ trích những âm mưu hòng tạo ra một "thế giới đơn cực” và cho rằng đây là chiến lược “hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Cũng trong hội đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Moscow ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh, phản đối "các hành động khiêu khích" ở Eo biển Đài Loan và nhấn mạnh Nga coi trọng "Quan điểm cân bằng" của Trung Quốc đối với Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thành phố Samarkand của Uzbekistan trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24/2 và cũng là dịp công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Dự kiến, lãnh đạo Nga, Trung Quốc cũng sẽ tiến hành hội đàm 3 bên với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận