Ngày 29/7, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang trong giai đoạn nước rút để hướng đến mục tiêu khai thác, vận hành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy vào tháng 4/2021. Tuy nhiên, khu vực chân cầu thang của 3 nhà ga của đoạn trên cao là ga S4, S5 và S7 hiện vẫn chưa có mặt bằng để thi công, do chưa giải quyết xong vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, khu vực chân thang ga S4 nằm thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, dải phía Bắc từ số nhà 386 đến 428 đường Hồ Tùng Mậu, có 19 hộ dân có một phần đất lấn vào chỉ giới đường đỏ của dự án. Bên kia đường, dải phía Nam, số nhà từ 227 đến 267 cũng lấn vào chỉ giới đường đỏ. Còn tại ga S5, cầu thang số 2 của nhà ga xung đột với cổng của Nhà hát Quân đội.
Đối với ga S7 thuộc địa phận quận Cầu Giấy, phía Nam nhà ga có kết cấu của ngôi nhà số 269 đường Cầu Giấy xung đột với chân móng thang của ga (móng nhà chồng lấn với móng trụ đỡ chính của bản đỡ cầu thang và hộp thang máy 1,5m). Còn các ngôi nhà từ số 271 đến 279 có phần kết cấu công trình lấn vào chỉ giới, biển quảng cáo xung đột với cầu thang.
Ban Quản lý dự án cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt, chỉ giới đường đỏ của dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội trùng khớp với chỉ giới của dự án cải tạo, mở rộng tuyến Quốc lộ 32 (đường bên dưới tuyến đường sắt). Dù vậy, khi kiểm tra thực tế hiện trường thì gặp nhiều trường hợp công trình lấn vào chỉ giới trên. “Dự án đang trong giai đoạn nước rút, song những rủi ro tiềm tàng từ vướng mắc xung đột mặt bằng chân thang tại 3 ga trên cao nói trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch vận hành đoạn trên cao”, theo Ban Quản lý dự án.
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước. Theo tiến độ điều chỉnh mới nhất của UBND TP.Hà Nội, thời gian thực hiện dự án 2009-2022, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, còn đoạn đi ngầm vào tháng 12/2022.
Đáng chú ý, gần 2 tháng trước, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khi đi thị sát, kiểm tra thực tế thi công dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã yêu cầu các địa phương cuối tháng 6/2020 phải hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, thời điểm này các vướng mắc về mặt bằng tại 3 ga trên cao vẫn chưa được giải quyết, khiến nhà thầu không có mặt bằng thi công.
Liên quan vấn đề trên, tháng 5/2020, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy lại cho biết, trước đây, khi thực hiện dự án đường Quốc lộ 32 đã cắm mốc chỉ giới GPMB, nhưng chưa giải phóng hết theo chỉ giới nên vẫn có trường hợp đất có sổ đỏ của nhà dân nằm trong chỉ giới. Khi cấp phép xây dựng, đất nằm trong chỉ giới mà có sổ đỏ vẫn phải cấp. Do đó, để GPMB làm ga cần phải cắm mốc, sau đó xác định trường hợp công trình nào lấn vào đất công thì tháo dỡ, còn có sổ đỏ phải đền bù, thực hiện GPMB theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận