Kiến nghị sớm có nguồn cát từ miền Tây
Ngày 31/7, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tỉnh Bình Dương cho biết, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua Bình Dương mặc dù các nhà thầu đã rất nỗ lực để tìm kiếm các nguồn vật liệu cát đắp nền đường nhưng khối lượng cát huy động về công trường chỉ đạt khoảng 1.000 m3/ngày, chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.
Theo Ban Giao thông, tổng nhu cầu cát đắp của dự án khoảng hơn 700.200m3 song khả năng cung ứng từ các mỏ hiện hữu đang khai thác chỉ đạt khoảng 100.000m3, còn thiếu hơn 600.200m3 chưa có nguồn cung cấp.
Để có nguồn cát san lấp, không làm gián đoạn thi công, Ban đã kiến nghị Bộ GTVT, UBND TP.HCM tiếp tục làm việc với UBND các tỉnh miền Tây, trong đó có Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre… để sớm giải quyết các thủ tục cấp phép khai thác cát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 283 ngày 26/6/2024.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua Bình Dương được chia thành 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 5 (xây lắp) và dự án thành phần 6 (giải phóng mặt bằng), thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Tổng mức đầu tư của dự án, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 19.280 tỷ đồng, trong đó dự án xây lắp khoảng 5.752 tỷ đồng và dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 13.528 tỷ đồng.
Đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6km. Trong đó, nút giao Tân Vạn dài 2,4km; đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9km; đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km.
Tiến độ bàn giao mặt bằng chưa đạt kế hoạch
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương có tổng diện tích đất thu hồi khoảng 79,93ha; ảnh hưởng khoảng 1.529 trường hợp.
Tính đến nay, tổng diện tích thu hồi đất của dự án đạt 90,9% và đã chi trả tiền bồi thường đạt 89,2%. Dự án đã giải ngân số tiền 7.186,475 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Dương, đến nay tiến độ bàn giao mặt bằng chưa đạt theo kế hoạch đề ra, do đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của các gói thầu thi công.
Đoạn qua địa bàn TP Dĩ An, công tác bàn giao mặt bằng đạt 81%. Đoạn qua địa bàn TP Thủ Dầu Một, bàn giao mặt bằng đạt 91,4%. Đoạn qua địa bàn TP Thuận An đã bàn giao mặt bằng đạt 61%.
Cụ thể, đoạn qua TP Dĩ An (Gói thầu xây lắp 1) còn lại 288 trường hợp chưa bàn giao. Đoạn qua TP Thủ Dầu Một còn lại 35 trường hợp chưa bàn giao.
Gói thầu xây lắp 2 đã bàn giao mặt bằng đạt 91,7%, còn lại 16 trường hợp chưa bàn giao. Gói thầu xây lắp 3 đã bàn giao đạt 90,8%, còn lại 19 trường hợp chưa bàn giao.
Đoạn qua TP Thuận An còn lại 339 trường hợp chưa bàn giao; gói thầu xây lắp 2 đã bàn giao mặt bằng đạt 79,23%, còn lại 47 trường hợp chưa bàn giao; gói thầu xây lắp 3 đã bàn giao mặt bằng đạt 58,4%, còn lại 259 trường hợp chưa bàn giao; gói thầu xây lắp 4 đã bàn giao mặt bằng đạt 55,87%, còn lại 33 trường hợp chưa bàn giao.
Đối với Gói thầu xây lắp 1, đơn vị thi công hiện đang tiếp cận mặt bằng, hoàn thiện thủ tục thiết kế bản vẽ thi công và đang triển khai phát quang dọn dẹp mặt bằng và thi công các cọc thử.
Gói thầu xây lắp 2 có giá trị khối lượng thi công đạt tỷ lệ 23% so với khối lượng thực hiện hợp đồng. Đơn vị thi công đang thi công cọc khoan nhồi đạt 85,96%; thi công bệ mố, thân mố; đắp thử cấp phối đá dăm; hạng mục cống thoát nước.
Đối với Gói thầu xây lắp 3, đơn vị thi công đạt 6,81% so với khối lượng hợp đồng và đang thi công cọc khoan nhồi, đắp cát nền đường, bệ trụ.
Đối với Gói thầu xây lắp 4, đơn vị thi công đạt khối lượng 42,12% so với khối lượng hợp đồng. Hiện đơn vị đang triển khai thi công cọc khoan nhồi, bệ trụ, thân trụ, lũy kế đạt 18 trụ/22 trụ.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo UBND tỉnh, UBND TP Thuận An, UBND TP Dĩ An, các ngành liên quan, nhà thầu thi công, các đơn vị khai thác mỏ phải hợp lực cùng nhau giải quyết những khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng với tinh thần quyết liệt.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương có đơn giá bồi thường đối với đất ở cao nhất là hơn 42 triệu đồng/m2, thấp nhất là gần 5 triệu đồng/m2.
Đất nông nghiệp giá bồi thường cao nhất là hơn 22 triệu đồng/m2 và thấp nhất là hơn 2 triệu đồng/m2.
Đất dịch vụ thương mại giá bồi thường cao nhất là hơn 33 triệu đồng/m2 và thấp nhất là gần 4 triệu đồng/m2.
Đất sản xuất phi nông nghiệp giá bồi thường cao nhất là hơn 27 triệu đồng/m2, thấp nhất là hơn 3 triệu đồng/m2.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận