Thi công cầu Thạch Hãn thuộc gói XL2, dự án Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Duy Lợi
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, đề cập đến việc thực hiện ba đột phá chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng...
Bên cạnh nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng thời gian qua, việc các dự án giao thông trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng thời hạn chắc chắn sẽ tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.
Khắp nơi hối hả, khẩn trương
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày cuối tháng 3, không khí làm việc trên công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn diễn ra hối hả khẩn trương, với hàng loạt mũi thi công nền đường, cầu cống.
Dọc trên 98,35km dự án Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, nhiều đoạn đã thành hình đoạn tuyến cao tốc, một số đang thi công đến lớp cấp phối đá dăm; hệ thống cống, cầu chui dọc tuyến cơ bản hoàn thiện…
Các cầu vượt sông trụ cầu đã vươn cao và đang lao dầm. Tại các gói, hàng loạt mũi thi công với các ê kíp máy móc thiết bị cùng đội ngũ cán bộ, công nhân tất bật làm việc.
Ông Nguyễn Văn Phan, Trưởng Phòng điều hành dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị cho hay, thời gian qua đơn vị thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đốc thúc các nhà thầu thực hiện các giải pháp đảm bảo tiến độ. Các nhà thầu để chậm tiến độ tại một số gói thầu đều đã bị cảnh báo.
Theo ông Nguyễn Vũ Qúy, Q. Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, rất nhiều giải pháp đã được thực hiện, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ để nhà thầu thi công nhanh và đồng loạt. Hiện tại sản lượng tại dự án Cam Lộ - La Sơn đạt khoảng 38%, công tác giải ngân đảm bảo theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT.
Tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, ghi nhận tại gói thầu số XL14 đoạn tuyến qua địa phận huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), ông Đào Văn Cường - Chỉ huy Công ty Cổ phần Xây lắp 368 cho biết, để tập trung tiến độ dự án xây dựng cầu Đồng Tiến dài 38,2m với 22 nhịp, tại hiện trường, lúc nào cũng có hàng chục cán bộ kỹ thuật và lao động lành nghề tổ chức 3 mũi thi công.
Cách đó không xa, nhiều tốp công nhân lái máy xúc đang đang tập trung bóc phần đất phong hóa dưới ruộng lúa nước. Ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ của Tập đoàn Xây dựng Miền Trung cho hay, đơn vị đã huy động 12 máy xúc, máy ủi, máy lu và hàng chục công nhân, cán bộ, chỉ huy túc trực tại công trường.
“Gói thầu số XL14 gồm 16,7km đường, 5 cầu chính tuyến với tổng chiều dài 2.756m, 7 cầu vượt ngang, 2 cầu trong nút giao, 18 hầm chui dân sinh. Hiện gói thầu đang tổ chức 10 mũi thi công bao gồm 5 mũi thi công cầu, 5 mũi thi công đường”, ông Hải thông tin.
Theo Ban QLDA Thăng Long, để đảm bảo tiến độ, Ban yêu cầu các nhà thầu huy động nhân sự, tập trung phương tiện máy móc, tranh thủ tối đa thời gian thi công.
Ở phía Nam, đối với dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo thống kê của Ban QLDA 7, các nhà thầu đã huy động 644 cán bộ kỹ thuật, công nhân, lái máy; 290 xe máy thiết bị và đang triển khai tổng cộng 34 mũi thi công. Trên tuyến có tổng cộng 57 cầu lớn nhỏ, các nhà thầu đã tổ chức thi công cọc khoan nhồi tại 12 cầu. Sản lượng thi công của các gói thầu đạt 137,7 tỷ đồng.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, so với các dự án khác, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chịu cảnh thiếu vật liệu đất đắp K95, K98 nhiều hơn. Ban và nhà thầu đã nghiên cứu phương án tận dụng vật liệu đá từ nền đào, nghiền làm vật liệu đắp nền tại gói thầu XL01 và sẽ có thêm 1,2 triệu m3.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công đến nay là 6 tháng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 99km, được chia làm 4 gói thầu xây lắp. Tổng sản lượng đến nay đạt 141,84 tỷ đồng, cơ bản đảm bảo theo hợp đồng ký kết.
Cần giải pháp đặc biệt để đảm bảo tiến độ
Thi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Ảnh: Phan Tư
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, ông Nguyễn Duy Lâm - Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, 13 địa phương nơi 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua đã bàn giao mặt bằng được 630,9/652,9km (đạt 96,6%).
Về tình hình triển khai thi công, ông Lâm cho biết, đối với 3 dự án thành phần được khởi công xây dựng từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đang được các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra của Bộ GTVT.
Cụ thể, với cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (khởi công tháng 12/20219), đến nay sản lượng toàn dự án đạt 60%, tiến độ đạt yêu cầu hoàn thành năm 2021.
Trong khi đó, dự án Cam Lộ - La Sơn (khởi công tháng 9/2019) gồm 11 gói thầu xây lắp, sản lượng thi công đạt khoảng 34,2%. Hiện nay, 8 gói thầu của dự án chậm tiến độ so với yêu cầu do ảnh hưởng của bão lũ năm 2020, khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp...
“Nếu không có giải pháp đặc biệt, dự án sẽ khó hoàn thành theo kế hoạch trong năm 2021. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cần lập kế hoạch triển khai thi công các khối lượng còn lại, nhà thầu phải có giải pháp để bù lại các khối lượng bị chậm, tăng thêm các mũi thi công, làm tăng ca...”, ông Lâm cho biết.
Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 (khởi công tháng 2/2020) hiện đã triển khai 4 gói thầu xây lắp, trong đó 3 gói thầu đạt tiến độ. Riêng gói thầu XL3A mới đạt 6,9%, tiến độ chậm khoảng 3 tháng so yêu cầu do việc thi công cọc thử tại trụ T15, T16 chậm, gặp nhiều khó khăn.
“Ban QLDA7 cần chỉ đạo nhà thầu tập trung đẩy nhanh thi công thì mới hoàn thành theo tiến độ đã cam kết ngày 31/12/2021”, ông Lâm thông tin.
Đề cập đến 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được khởi công đồng loạt từ ngày 30/9/2020 (dự kiến hoàn thành năm 2022) gồm: Mai Sơn - QL45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây ông Lâm cho biết, các gói thầu đã triển khai thi công các hạng mục đào bóc hữu cơ, thi công nền đường, mố, trụ cầu, cống...
“Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA7 chỉ đạo nhà thầu, tư vấn khẩn trương huy động đầy đủ máy móc, thiết bị để thi công, đảm bảo chất lượng, đồng thời chủ động làm việc với địa phương để sớm tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án”, ông Lâm chia sẻ.
Liên quan đến 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu vừa được chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công, ông Lâm cho biết, Bộ GTVT đã ban hành các quyết định điều chỉnh dự án, dự kiến sẽ khởi công xây dựng các gói thầu đầu tiên trong tháng 6/2021. “Còn lại, 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã hoàn thành phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng để ký kết hợp đồng dự án, dự kiến khởi công trong quý II/2021”, ông Lâm thông tin.
Đầu tư càng nhanh, hiệu quả càng lớn
Đối với dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, trên tổng số diện tích 5.000ha, đến nay đã được địa phương bàn giao 2.500ha.
Đầu năm 2021, ACV đã tổ chức khởi công hạng mục đầu tiên là rà phá bom mìn, đến nay tiến độ vẫn đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Từ đây đến cuối năm, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục bàn giao 2.500ha còn lại.
Đối với phần nhà ga, ACV cũng đang đàm phán với tư vấn để thiết kế nhà ga trong tháng 4. Theo kế hoạch sẽ mất 14 tháng để thiết kế xong phần móng và phần trên của nhà ga này sau đó mới đấu thầu thi công. Tuy nhiên ACV đang hướng đến phương án tách phần móng để làm trước, nhà ga thiết kế sau, như vậy có thể rút ngắn được khoảng 6 tháng.
Theo ông Bình, trong năm 2021 ngoài việc rà phá bom mìn tại công trường, các công việc khác chủ yếu là san lấp mặt bằng và thiết kế kỹ thuật nhà ga, đường lăn, sân đỗ. Phải qua năm 2022 mới bắt đầu triển khai tại công trường nhiều hơn.
“Đến nay tiến độ của các công đoạn vẫn đang theo kế hoạch, mục tiêu của ACV đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào hoạt động năm 2025 là không thay đổi”, ông Bình khẳng định.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, hai dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông và sân bay Long Thành là 2 dự án hạ tầng giao thông cực kỳ quan trọng. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trên khắp đất nước.
“Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam hình thành sẽ giải quyết được toàn bộ những hạn chế của QL1 hiện nay, giúp giảm chi phí vận tải, giảm thời gian đi trên đường, tăng năng lực lưu thông hàng hóa, giảm tai nạn giao thông, giảm hao mòn xe… Tương tự, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, tạo nền tảng phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy kết nối với thị trường ASEAN, khu vực châu Á và toàn cầu” ông Sinh nói và cho rằng, cần tạo điều kiện tối đa để đẩy tiến độ 2 dự án hạ tầng quan trọng này. Hiệu quả sử dụng vốn cũng như sự lan tỏa sẽ lớn hơn nếu việc đầu tư được tiến hành nhanh chóng.
Tập trung các tuyến cao tốc liên kết vùng
Theo Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT), mục tiêu quy hoạch đường bộ đến năm 2030, sẽ tập trung xây dựng các tuyến cao tốc để liên kết vùng, cảng biển, sân bay lớn. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng 5.000km đường cao tốc, đảm bảo tất cả các địa phương có đường cao tốc kết nối và kết nối với các cửa khẩu chính, các đô thị, trung tâm vận tải, khu kinh tế.
Mạng cao tốc theo quy hoạch hiện tại tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có có 41 tuyến với tổng số hơn 9.000km.
Trong đó, khu vực phía Bắc, ngoài các tuyến các tuyến cao tốc là trục chính của hành lang vận tải sẽ hoạch định thêm các tuyến cao tốc kết nối hướng tâm từ Hà Nội đến các địa phương như tuyến Hà Nội đi các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Thái Bình. Những tuyến cao tốc dự kiến xây dựng trước năm 2030 như hai tuyến vành đai TP Hà Nội; xây dựng các tuyến hướng tâm Vân Đồn - Móng Cái, Chợ Mới - TP Bắc Kạn, Phú Thọ - Tuyên Quang, Hà Nội - Hòa Bình, Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trên cơ sở quy hoạch 3 tuyến cao tốc cũ sẽ quy hoạch thêm các tuyến cao tốc để kết nối theo hướng Đông - Tây như tuyến Vũng Áng - Cha Lo, Đà Nẵng - Tây Nguyên, Quảng Ngãi - Tây Nguyên, Phú Yên - Tây Nguyên, Buôn Mê Thuột - Nha Trang. Đến năm 2030 xây dựng các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn qua Tây Nguyên, cao tốc Vinh - Thanh Thủy, Quy Nhơn - Pleiku. Đến năm 2050 hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc trục ngang Vũng Áng - Cha Lo, Đông Hà - Lao Bảo, Đà Nẵng - Tây Nguyên, Quảng Ngãi - Tây Nguyên, Phú Yên - Tây Nguyên, Buôn Mê Thuột - Đà Lạt - Nha Trang.
Đối với khu vực phía Nam sẽ bổ sung thêm một số tuyến cao tốc như Hồng Ngự - Sóc Trăng, Châu Thành - Hoa Lư, TP HCM - Sóc Trăng. Đến năm 2030 đầu tư các tuyến cao tốc theo trục dọc như tuyến cao tốc phía Tây theo đường Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn nối tiếp từ Cần Thơ - Cà Mau. Ngoài ra một số tuyến cao tốc theo trục hướng tâm như TP HCM - Châu Thành, TP HCM - Mộc Bài - cửa khẩu Sa Mát, các tuyến cao tốc trục ngang là Hồng Ngự - Trà Vinh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... Đến năm 2050 sẽ đầu tư trục cao tốc TP HCM - Sóc Trăng, Châu Thành - Hoa Lư.
Đình Quang - Trần Duy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận