Các gói thầu thi công dự án kênh Tân Hóa – Lò Gốm đang gấp rút chạy đua để về đích cuối năm nay. Tuy vậy, lãnh đạo Ban quản lý nâng cấp công trình đô thị TPHCM khẳng định, ngay đầu mùa mưa năm nay, nhiều tuyến đường trong khu vực này sẽ không còn cảnh chìm ngập trong nước bẩn như trước.
Vật vã thi công bờ kè
Sài Gòn bắt đầu vào mùa mưa, việc thi công tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm vì vậy càng phải chạy đua với thời tiết. Giữa cái nắng chói chang, nóng nực thời điểm giao mùa kèm thêm mùi hôi thối bốc lên từ "dòng kênh chết", những công nhân vẫn hì hục ở độ sâu gần 10m dưới lòng đất để đào, bới. Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc chịu trách nhiệm thi công hai gói thầu số 8, 9 có chiều dài mỗi bên gần 1000m. Tại gói thầu số 8, tổng cộng chiều dài mỗi bên chỉ hơn 445m bờ kè nhưng rất vất vã nhà thầu mới thi công được. Gói số 8 đã hoàn thiện bờ kè bên phải, bên trái đang được tích cực thi công.
Anh Huỳnh Bảo Đức, Chỉ huy trưởng nhà thầu Tuấn Lộc cho biết, để thi công được bờ kè, nhà thầu phải dùng hàng trăm tấm cừ thép Larsen đóng sâu xuống 12m tạo thành vách ngăn cả hai bên. Dùng xe cuốc đào thành hố sâu chừng 6,5m để đổ bê tông làm đáy, sau đó mới đổ bê tông làm kè đứng. Cứ thi công một đoạn chừng 11,8m xong mới làm đoạn tiếp theo.
Công nhân khẩn trương thi công bờ kè kênh Tân Hóa - Lò Gốm |
Nghe thì đơn giản, nhưng thực tế trên công trường không hề dễ dàng chút nào. Do khu vực này nhà dân ở sát bờ kênh, có nơi đóng cừ chỉ cách tường nhà dân 30cm, việc thi công vì vậy cũng ảnh hưởng đến người dân nên cũng có người gây khó khăn. Đặc biệt, địa chất khu vực này chủ yếu là bùn đất, chất thải tích tụ lâu năm nền đất ở dưới rất yếu. “Có đoạn dù cừ thép đã đóng sâu 12m nhưng ở dưới chân đất yếu đã đẩy chân cừ ra ngoài may không mà sập”, anh Đức kể.
Tại gói thầu số 14, thi công cầu Tân Hóa nối đường Lũy Bán Tích đến đường Tân Hóa chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Ca, chỉ huy trưởng của nhà thầu Đông Mê Kông. Chỉ vào thiết bị đang đóng cừ thép bị vướng víu dây điện chạy qua bên trên, anh Ca cho biết phải vất vả lắm nhà thầu mới làm việc được với các đơn vị điện lực để nâng đường dây này nhưng vẫn còn vướng công trình nước ngầm. “Vẫn còn đường ống cấp nước họ nói tháng 7 mới tháo dỡ, không biết làm sao để tháng 9 hoàn thành cầu đây”, anh Ca ngao ngán. Vướng giải phóng mặt bằng nhà dân, vướng hệ thống hạ tầng điện, ống nước…là những trở ngại khiến dự án kênh Tân Hóa – Lò Gốm nhiều lúc tưởng bế tắc.
Mùa mưa này sẽ hết ngập
Dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm được khởi công từ cuối năm 2011 với tổng nguồn vốn gần 2.000 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn các quận 6, 11, Tân Phú từ đoạn tiếp giáp đường Âu Cơ (Q.Tân Phú) đến đại lộ Võ Văn Kiệt (Q.6). Theo thiết kế, đoạn kênh từ đường Âu Cơ (Q.Tân Phú) đến cầu Hòa Bình (Q.11) có chiều dài 3km tiến hành lắp đặt cống hộp, bên trên làm đường rộng từ 7m đến 13m. Hiện nay về cơ bản tuyến đường này đã hoàn thành.
Đoạn kênh 7,4km từ cầu Hòa Bình đến cầu Lò Gốm sẽ là kênh hở với bờ kè bêtông, hai bên là đường rộng 7m. Đến nay các nhà thầu đang tiến hành gấp rút thi công những đoạn bờ kè còn lại, sau đó tiến hành nạo vét toàn bộ tuyến kênh để đảm bảo thoát nước.
Dòng kênh đen ngòm sẽ trở nên trong xanh khi dự án hoàn thiện |
Ba năm qua, từ khi dự án triển khai, cứ mỗi lần có mưa lớn là cả khu vực từ Bàu Cát đến Đầm Sen chìm trong nước bẩn, bốc mùi hôi thối. Nay dù dự án chưa hoàn thiện nhưng đoạn cống hộp đã cơ bản xong, những trận mưa đầu mùa năm nay chưa gây ngập cho khu vực này. Đường Âu Cơ, Hòa Bình cũng đã được nâng lên để đảm bảo cao độ mặt đường.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý Dự án nâng cấp đô thị TP.HCM cho biết, các gói thầu đang được đẩy nhanh tiến độ để toàn bộ tuyến đường và kênh có thể hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2/9. Những hạng mục khác sẽ hoàn thiện sau. “Năm trước là do quá trình thi công đã làm hẹp lòng kênh, nay đã được lắp cống, việc nạo vét kênh hở cũng được tiến hành trong thời gian tới sẽ đảm bảo thoát nước. Đường Âu Cơ, Hòa Bình, khu Bàu Cát mùa mưa này sẽ không còn ngập nữa”, ông Liêm khẳng định
Phan Tư – Ngọc Hoa
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận