Ngày 9/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II).
Dự án TISCO II có tổng mức đầu tư 8.100 tỉ đồng được xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn "đắp chiếu", Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án này
Thanh toán 92% giá trị hợp đồng cho tổng thầu Trung Quốc nhưng nhận lại “đống sắt vụn”
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 20/2/2019, từ tháng 10/2004, Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép TISCO lập báo cáo nghiên cứu khả thi nâng công suất sản xuất phôi thép từ 250.000 tấn lên 750.000 tấn/năm. Khoảng nửa năm sau, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư.
Năm 2009, doanh nghiệp này chuyển sang mô hình cổ phần, Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ và được quản lý thông qua Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS).
Dự án gồm 2 gói thầu chính: Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ, xây dựng nhà máy tuyển rửa quặng sắt, công suất thiết kế 300.000 tấn quặng sắt tinh/năm, do nhà thầu trong nước trúng thầu, đã xây dựng hoàn thành đưa vào sản xuất tháng 5/2014; gói thầu xây dựng dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá, công suất 500.000 tấn phôi thép/năm, do nhà thầu Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận, thông qua đấu thầu quốc tế.
Vào tháng 7/2007, TISCO và MCC ký hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt (EPC) với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD. Hai bên cam kết mức giá nêu trên là “trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, đã bao gồm các khoản thuế và chi phí cần thiết”, với thời gian thực hiện dự kiến 30 tháng.
Sau đó, TISCO và MCC lại ký với nhau nhiều phụ lục điều chỉnh nội dung quan trọng trong hợp đồng đã ký. Trong đó, hai bên thống nhất tách phần xây dựng và lắp đặt giao lại cho nhà thầu Việt Nam là Tổng công ty Xây dựng công nghiệp VN (Vinaincon) thực hiện. Thời gian thực hiện gói thầu kéo dài đến quý 1/2011.
Đến thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đầu năm 2017, TISCO đã thanh toán cho dự án gần 4.500 tỉ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỉ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỉ đồng. Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỉ đồng, tức tương đương với tổng mức đầu tư của dự án ban đầu. Tuy nhiên, dự án vẫn đang dở dang và đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, nhiều hạng mục đã bị rỉ sét nặng và để cỏ mọc um tùm.
Đến thời điểm thanh tra, TISCO (chủ đầu tư) đã thanh toán cho nhà thầu MCC trên 92% giá trị hợp đồng, nhưng các hạng mục chính của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành.
Tự ý điểu chỉnh thêm hơn 4.200 tỉ đồng
Một trong những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của Dự án TISCO II được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng thêm hơn 4.200 tỉ đồng thiếu cơ sở căn cứ pháp lý.
Theo đó, trên cơ sở báo cáo của TISCO, tháng 8/2012, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) có văn bản gửi Bộ Công thương. Sau đó, Bộ này báo cáo Thủ tướng đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 3.800 tỉ lên 8.100 tỉ.
Ngày 20/11/2012, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công thương tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về đề nghị tăng tổng mức đầu tư dự án.
5 tháng sau, cơ quan này tiếp tục có văn bản gửi Bộ Công thương và VNS thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng về tổng mức đầu tư. Ngày 15/5/2013, Chủ tịch HĐQT TISCO ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng thêm hơn 4.200 tỉ, thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động.
Theo kết luận thanh tra, trước khi tổng mức đầu tư dự án được tăng lên 8.100 tỉ, Văn phòng Chính phủ yêu cầu một số bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến.
Các bộ, ngành có ý kiến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là thiếu cơ sở căn cứ pháp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.
Kết quả thanh tra cho thấy TISCO, VNS và các cơ quan tư vấn, Bộ Công thương đã có nhiều khuyết điểm sai phạm. Cụ thể, theo quy định thì dự án không được điều chỉnh tổng mức đầu tư do sử dụng trên 30% vốn nhà nước và không có cơ sở điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với hợp đồng EPC 01. Việc thẩm tra và rà soát hiệu quả kinh tế chưa được thực hiện đầy đủ.
Theo kết luận thanh tra, Văn phòng Chính phủ còn có 2 văn bản trình Phó Thủ tướng và thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng, trong đó có nội dung đồng ý TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC (vật tư và thiết bị hư hỏng bởi gỉ sét, lão hóa do để lưu kho bãi lâu ngày...).
"Những nội dung nêu tại 2 văn bản này không đúng với hợp đồng EPC, quy định pháp luật về đầu tư", Thanh tra Chính phủ kết luận. Trách nhiệm liên quan đến việc tăng tổng mức đầu tư này theo Thanh tra Chính phủ thuộc về lãnh đạo và các cán bộ liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, lãnh đạo của VNS, TISCO...
Từ những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Ngày 9/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết quả kỳ họp thứ 41 (từ ngày 04 đến 06/12/2019) tại Hà Nội. Kỳ họp đã kết luận, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II), gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, Đảng viên liên quan bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội.
Trong thực hiện Dự án TISCO II, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với Dự án TISCO II. Ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007 – 2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công thương; Các ông nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Thứ trưởng: Lê Dương Quang, Đỗ Hữu Hào cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công thương và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Đặc biệt, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II. Ngoài ra, các ông nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ và ông Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu Lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.
"Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam, của Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công thương và các cán bộ nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, đến mức phải xem xét kỷ luật", kết luận cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận