Chưa được cấp phép, chưa được thẩm định nhưng Công ty CP Cấp nước Nghệ An vẫn cho làm 2km đường ống nước ở hành lang ATGT đường bộ. (ảnh: người dân cung cấp)
Ngày 11/01, trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc sẽ xử lý như thế nào đối với vụ việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An thi công hệ thống đường ống cấp nước D1000 ở hành lang tuyến tránh Vinh và QL46 mà chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép?, người đứng đầu Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An cho biết: "Đang chờ xin ý kiến từ Bộ Xây dựng".
Ông Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An lý giải: Đường ống hiện trạng trước đây là ống nhựa phi 300 (D300). Quá trình nhiều năm sử dụng, nó có hiện tượng không đảm bảo kỹ thuật, rò rỉ nước, nứt đường ống nên Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An thay thế bằng đường ống mới trên tuyến đó.
Quá trình thay thế được Cục QLĐB II cho phép sử dụng đất hành lang ATGT đường bộ để thi công chứ không phải cho phép xây dựng. Tuy nhiên, khi làm phía công ty Cấp nước Nghệ An đã thay đường ống từ D300 lên D1000. Nếu chiếu theo quy định tại Nghị định 59 (Nghị định 59/2015/NĐ-CP) thì đây lại là công trình cấp 1 - tức là phải xin cấp phép và thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng thẩm định.
Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An - Nguyễn Trường Giang có ý muốn để sai phạm tồn tại khi trả lời về sai phạm của Công ty CP cấp nước Nghệ An.
“Hiện Sở xây dựng đã thành lập đoàn đi kiểm tra việc xử lý của huyện Hưng Nguyên do thẩm quyền xử lý vi phạm đang thuộc UBND huyện này. Tuy nhiên, vấn đề khắc phục như thế nào thì phải xin ý kiến Bộ Xây dựng. Cái này nếu chiếu theo quy định buộc tháo dỡ khôi phục lại, dân mất nước thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Giang đặt câu hỏi ngược để coi như sự đã rồi.
Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho rằng: “Mình cũng cần xét toàn diện các mặt. Cần phải thấy rõ, cái này không phải họ thay cải tạo, nâng cấp toàn bộ nhà máy nước mà chỉ có 1 đoạn 2.000m ở Hưng Nguyên từ đường ống D300 lên D1000. Cái đấy có thể nhà đầu tư họ tính cho tương lai, nhưng về mặt quy trình họ phải xin phép, còn nếu như cấp bách thì thôi... Ranh giới đó rất khó xác định (!?). Tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng xuống kiểm tra và xử lý theo quy định, nhưng chúng tôi cũng xin phép được gia hạn thêm để xin ý kiến tham vấn của Bộ để chỉ đạo việc này”.
Đáng lưu ý, dù biết luật, nắm rõ các quy định của pháp luật nhưng người đứng đầu Sở Xây dựng không hề đề cập đến việc nếu hệ thống đường ống D1000 mới lắp đặt, chưa được cấp phép, chưa được thẩm định mà xảy ra sự cố khi vận hành, gây hư hại công trình đường giao thông quốc gia thì ai chịu trách nhiệm.
Các công nhân thi công đường ống khẳng định đường ống này là làm mới chứ không phải sửa chữa, nâng cấp.
Nói về hệ thống đường ống nước ở hành lang tuyến tránh Vinh, ông Võ Nghệ Sỹ - Giám đốc Chi nhánh tuyến tránh BOT thành phố Vinh, cho biết: "Từ năm 2016 tôi về đây làm giám đốc phụ trách tuyến đường đến nay chưa từng thấy đường ống nước ở đó xảy ra sự cố.
Công ty tôi cũng sử dụng nước đấu từ đường ống đó và chưa bao giờ thấy mất nước. Khi họ làm, chúng tôi cho kiểm tra thì thấy họ đã được Cục QLĐB II cho phép thi công trong đất hành lang ATGT đường bộ, còn việc họ làm dự án đường ống như thế nào, mục đích ra sao, đúng quy định hay không thì không thuộc thẩm quyền của đơn vị".
Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin về việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An triển khai thi công đường ống nước D1000 trên hành lang ATGT tuyến tránh Vinh và QL46 mà chưa được các cơ quan chức năng thẩm định, cho phép. Công trình được làm gấp rút bất kể ngày đêm từ tháng 11/2020 đến giữa tháng 12/2020.
Dự án có tổng mức đầu tư 35,3 tỷ đồng. Khi trao đổi với PV Báo Giao thông tại công trường, một công nhân đang thi công công trình van khóa đường ống nước này khẳng định: “Đây là công trình đường ống DN1000 của Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Công trình được thi công mới hoàn toàn chứ không phải sửa chữa, nâng cấp”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận