Đường sắt đô thị

Dự án metro bị đòi bồi thường hàng nghìn tỷ vì chậm giao mặt bằng

Việc chậm GPMB, kéo dài suốt quá trình thi công khiến dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn, nhà thầu quốc tế khiếu kiện đòi bồi thường.

LTS: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Nội vừa đi vào hoạt động, được người dân Thủ đô hào hứng đón nhận. So với kế hoạch, dự án đầy “thăng trầm” này chậm tiến độ 5 năm (trong đó riêng GPMB chậm 3 năm).

Tuy nhiên, đây vẫn là dự án chậm tiến độ ít nhất so với các dự án Metro đô thị đang triển khai. Vì sao các dự án Metro, đường sắt đô thị đều bị chậm tiến độ và đội vốn? Cách nào giải quyết tình trạng này?

Báo Giao thông tiếp tục loạt bài về các dự án này.

img

Dự án Bến Thành - Tham Lương dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng phải đến tháng 6/2020 mới bắt đầu triển khai GPMB

Kỳ 3: Bị đòi bồi thường hàng nghìn tỷ vì chậm giao mặt bằng

Các dự án đường sắt đô thị đang triển khai đều gặp khó khăn, vướng mắc rất lớn về giải phóng mặt bằng (GPMB).

Việc chậm GPMB và kéo dài suốt quá trình thi công kéo theo dự án chậm tiến độ, đội vốn, nhà thầu quốc tế khiếu kiện đòi bồi thường…

Vướng vài hộ dân, tắc cả năm

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên công trường 4 ga ngầm và đoạn tuyến ngầm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nôi đều im ắng, không có hoạt động thi công trên thực địa.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB, chủ đầu tư dự án) xác nhận, từ tháng 7/2021 đến nay, Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella thông báo tạm dừng thi công gói thầu trên để giải quyết xong mặt bằng.

Việc dừng thi công khiến dự án tiếp tục bị chậm, phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành đoạn ngầm thêm 1 - 2 năm, thay vì mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2022.

“Phạm vi gói thầu ga ngầm và đoạn tuyến ngầm chỉ còn 0,3% diện tích đất chưa thu hồi xong (58/186.522m2). Chỉ có 2 hộ dân tại ga ngầm Kim Mã chưa chấp hành quyết định thu hồi đất vì vướng mắc chia di sản thừa kế và chủ sử dụng đất đang sinh sống ở nước ngoài”, đại diện MRB thông tin.

Việc GPMB các ga ngầm cũng rất đặc thù, gần như chưa có tiền lệ. Đơn cử tại ga ngầm Quốc Tử Giám, việc thi công ảnh hưởng đến công trình của một số hộ dân và trụ sở công an phường.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chính sách đền bù nên chưa giải quyết được.

Theo đại diện MRB, khi thi công các ga ngầm mới phát sinh việc các hộ dân chỉ có móng nhà xung đột với tuyến hầm. Trong đó có 43 trường hợp phải tạm cư và 7 trường hợp phải tháo dỡ công trình, không thu hồi đất.

Trong khi đó, nhà tài trợ vốn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) yêu cầu, trước khi đào tuyến ngầm, phải có chính sách và quy trình bồi thường được phê duyệt. Đây là hình thức GPMB chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo các quy định pháp luật hiện hành.

Chật vật vì bất cập khung giá bồi thường

Tại dự án Cát Linh - Hà Đông, theo Ban QLDA đường sắt, dù khởi công tháng 10/2011, nhưng phải đến tháng 4/2014 mới cơ bản hoàn thành GPMB.

Việc chậm GPMB khiến mục tiêu hoàn thành dự án sau 48 tháng kể từ ngày chủ đầu tư bàn giao mặt bằng sạch cho tổng thầu bị phá sản.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự án bị chậm 5 - 6 năm so với kế hoạch, trong đó riêng GPMB bị chậm 3 năm.

Quá trình GPMB nảy sinh vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách bồi thường GPMB dẫn đến nhiều đơn thư khiếu nại, kiến nghị.

Tại TP.HCM, 2 dự án Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương cũng chật vật GPMB. Đáng chú ý, dự án Bến Thành - Tham Lương dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng phải đến tháng 6/2020 mới bắt đầu triển khai GPMB.

Theo Ban QLDA đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến này đi qua 6 quận, tổng diện tích GPMB hơn 250.000m2 với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.

Đến nay, tỷ lệ bàn giao mới đạt 79,1%, vướng mắc tại địa bàn quận 3 chưa biết khi nào xong, do khung giá đền bù chênh lệch khiến người dân không đồng thuận.

Khi làm việc với các nhà thầu nước ngoài, nếu chúng ta chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ thi công, nhà thầu có thể khởi kiện và yêu cầu bồi thường, chứ không chỉ đề nghị, kiến nghị nhanh bàn giao mặt bằng như các nhà thầu trong nước.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch thường trực Hội Cầu đường cảng TP.HCM, Trưởng cố vấn tư vấn Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM


“Nhà tôi giáp ranh với quận 10, chỉ cách một con đường nhưng các hộ dân ở quận 10 được đền bù mức giá cao hơn nhiều lần. Vì không hợp lý nên chúng tôi chưa chấp thuận mức đền bù, yêu cầu cơ quan chức năng xem xét lại”, bà H.T , đại diện một gia đình ở quận 3 cho PV Báo Giao thông biết lý do.

Ông Trần Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND quận 3 cho biết, thực tế quận 3 đi đầu so với các quận khác trong việc GPMB cho dự án Bến Thành - Tham Lương.

Từ năm 2017 - 2018 đã có 37/113 trường hợp bàn giao mặt bằng, trong khi các quận khác chưa triển khai.

Năm 2020, UBND TP.HCM duyệt chính sách bồi thường GPMB lần thứ 2 cho dự án Bến Thành - Tham Lương áp dụng cho 5 quận (trừ quận 3), với mức giá được đền bù cao hơn trước. Ngay quận 10 giáp ranh với quận 3 cũng được đền bù cao gấp 30% so với quận 3.

“Vì thế quận 3 đang kiến nghị thành phố phê duyệt lại chính sách bồi thường GPMB để tránh tình trạng người dân khiếu nại, gây ảnh hưởng tiến độ sau này. Sau khi thành phố phê duyệt, khoảng 90 ngày quận 3 sẽ hoàn thành việc bồi thường, bàn giao mặt bằng”, ông Bình cho biết.

Đối với dự án Bến Thành - Suối Tiên, dự kiến ban đầu chậm nhất đến cuối năm 2012 sẽ có đủ mặt bằng sạch, song thực tế phải đến tháng 5/2015 mới hoàn thành.

Dự án đội vốn, nhà thầu đòi bồi thường

Nói về GPMB dự án Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Đường sắt VN kể, dự án được chuẩn bị từ trước khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội (năm 2008) nên ban đầu thuộc phạm vi hai địa phương.

Chủ trương của Bộ GTVT là định hướng tuyến theo phương án tối ưu để GPMB ít nhất.

“Không ít lần tôi trực tiếp cùng lãnh đạo Bộ GTVT đi bộ, len lỏi vào các ngõ nhỏ để khảo sát thực địa. Đó cũng là lý do tuyến đường sắt này đi qua sông Tô Lịch, mương Hào Nam, hồ Hoàng Cầu.

Dù vậy, dự án mất thêm vài năm để GPMB so với kế hoạch, mà mỗi năm chậm lại tăng thêm cho chi phí dự án vì giá đất mỗi năm đều được điều chỉnh tăng”, ông Hồng nói về hệ lụy của chậm GPMB.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng phòng dự án 2, Ban QLDA đường sắt cho biết, chậm GPMB khiến dự án phải điều chỉnh lùi tiến độ các gói thầu xây dựng, cũng như tạm duyệt thiết kế, dự toán, kéo theo những vướng mắc khi quyết toán, kiểm toán.

“Quá trình GPMB kéo dài, chậm trễ khiến tư vấn không có mặt bằng để khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, lập dự toán và không xác định được giá trị của hợp đồng ở thời điểm trên.

Trong thời gian chờ mặt bằng sạch, dự án buộc phải vừa thiết kế vừa tạm duyệt thiết kế, dự toán để tổng thầu có cơ sở chọn nhà thầu phụ nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi”, ông Phương cho biết.

Đối với dự án Nhổn - ga Hà Nội, đơn vị quản lý dự án cho biết, các gói thầu liên quan đến GPMB đều bị chậm trễ bàn giao từ 1 - 6 năm so với kế hoạch.

Phức tạp hơn dự án Cát Linh - Hà Đông, do công tác GPMB kéo dài trong suốt quá trình triển khai dự án và chậm trễ giải quyết các phát sinh nêu trên, Liên danh nhà thầu ngoại Hyundai - Ghella đã gửi 3 khiếu nại bồi thường, đề nghị thanh toán 114,7 triệu USD (hơn 2.500 tỷ đồng), nếu không sẽ không thể tiếp tục thi công. Hiện nhà thầu đã đưa việc này lên trọng tài quốc tế.

Thực tế, đoạn 8,7km trên cao của dự án Nhổn - ga Hà Nội phải “chào thua”, không thể GPMB hơn chục công trình xây dựng nằm trong chỉ giới đường đỏ xây dựng một số cầu thang (ga S4, S7 có móng nhà chồng lấn với móng trụ bản đỡ cầu thang bộ, hộp thang máy) dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế.

“Do không giải phóng được mặt bằng nên một số nhà ga trên cao cuối cùng phải điều chỉnh thiết kế, nắn chỉnh, thu hẹp đường dẫn cầu thang lên sảnh nhà ga”, lãnh đạo MRB cho biết.

Ông Hà Ngọc Trường, Trưởng cố vấn tư vấn Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, gói thầu đoạn trên cao của dự án Bến Thành - Suối Tiên GPMB chậm hơn 2 năm, cũng bị nhà thầu Nhật Bản định đưa ra tòa để đòi bồi thường 2 tỷ đồng/ngày do chậm bàn giao mặt bằng.

UBND TP.HCM giai đoạn đó phải tạm ứng vốn từ ngân sách thành phố để chi trả và duy trì thi công trên công trường.

Theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, dự án đường sắt đô thị bị chậm tiến độ kéo dài, trong đó có nguyên nhân do GPMB kéo dài, còn gây ra hệ lụy vô hình là làm giảm hiệu quả kinh tế - xã hội mà dự án đem lại.

“Nguyên nhân sâu xa là thiếu ràng buộc trách nhiệm cụ thể trong GPMB, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, chậm GPMB mấy năm kéo theo bao nhiêu hệ lụy nhưng cuối cùng không ai chịu trách nhiệm”, ông Ân nói.

Kỳ 1: Mò mẫm như “dò đá qua sông”

Kỳ 2: Điều chỉnh một ly, mất cả năm trời

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.