Ngày 23/9, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, từ tháng 7/2021 đến nay, Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella tạm dừng thi công gói thầu ga ngầm và tuyến đi ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Nguyên nhân do phát sinh vướng mắc trong công tác giải phóng mặt nhưng chưa có cơ chế, chính sách để giải quyết.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tại ga ngầm S11 phát sinh trường hợp căn hộ tầng 2 tại số nhà 23 Quốc Tử Giám không thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng nhưng quá trình thi công gây nứt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nên phải dừng thi công. Bên cạnh đó, phía trên tuyến đường hầm có các tòa nhà, khi máy đào hầm hoạt động sẽ gây ảnh hưởng nên cần có chính sách để di cư tạm thời.
Hiện nhà thầu đang tạm dừng thi công gói thầu ga ngầm và tuyến ngầm dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội
"Đặc biệt, một số tòa nhà có cọc móng bê tông ăn sâu vào đường hầm cần phải phá dỡ để thi công, sau đó xây dựng lại. Đây là các trường hợp phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng, đang chờ UBND TP. Hà Nội ban hành cơ chế, chính sách để giải quyết”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, việc nhà thầu tạm dừng thi công hiện trường gói thầu ga ngầm và tuyến ngầm để giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, các đơn vị này vẫn duy trì các hoạt động khác như: đo đạc, khảo sát các tòa nhà, thảo luận giải pháp kỹ thuật, hồ sơ, thương thảo phụ lục hợp đồng… chờ có mặt bằng để thi công trở lại.
Không chỉ phát sinh vướng mắc giải phóng mặt bằng tại ga và đoạn đi ngầm, một số ga trên cao của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cũng có các công trình nhà dân lấn vào chỉ giới, phạm vi xây dựng cầu thang, song không thể di dời, giải tỏa. Đơn vị quản lý dự án phải đưa ra giải pháp điều chỉnh thiết kế, nắn chỉnh và thu hẹp mặt bằng cầu thang.
Dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm (Kim Mã - ga Hà Nội, với 4 ga gầm). Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.
Hà Nội dự kiến hoàn thành, đưa dự án vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiếu vốn, chậm trễ giải phóng mặt bằng khiến dự án bị chậm tiến độ, không kịp đưa vào khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2021.
Ngày 13/8/2021, UBND TP. Hà Nội thành lập Tổ công tác iên ngành để tăng cường phối hợp, xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Tổ công tác do Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) làm Tổ trưởng; Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội và Sở Kế hoạch và đầu tư là Tổ phó; cùng 22 thành viên là lãnh đạo, chuyên viên các Sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Tư pháp; Chi cục Quản lý đất đai Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và UBND các quận Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm… Tổ công tác tập trung làm việc ít nhất 1 buổi/tuần để phối hợp xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc của dự án và tham mưu, báo cáo UBND TP. Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận