Liên minh châu Âu có thể xây đường ống dẫn khí mới
Theo tờ báo Tây Ban Nha El País, EC đang cân nhắc khả năng xây dựng đường ống khí đốt dài 700km nối giữa thành phố Barcelona, Tây Ban Nha với thành phố Livorno, Italia.
Quá trình xây dựng dự kiến kéo dài 1-2 năm với kinh phí đầu tư vào khoảng 3,2 tỷ USD. Đường ống nhằm cung cấp khí đốt cho Italia và các quốc gia Trung và Bắc Âu.
EU cân nhắc xây đường ống khí đốt qua đường biển nối giữa Tây Ban Nha với Italia. Ảnh - Getty
Theo El País, ý tưởng xây dựng đường ống khí đốt nối giữa Italia và Tây Ban Nha có ý nghĩa quan trọng bởi Tây Ban Nha là quốc gia có kho chứa và tái hóa khí với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất Liên minh châu Âu (EU).
Hiện quốc gia này sở hữu 6 cơ sở lưu trữ và tái hóa khí LNG. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đường ống khí đốt kết nối giữa Tây Ban Nha với phần còn lại của EU lại khá hạn chế.
Trao đổi với hãng tin CNBC hôm 22/5, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng Tây Ban Nha và khu vực phía Nam châu Âu có thể giúp EU giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, thể hiện qua việc Tây Ban Nha chiếm 37% tổng năng suất tái hóa khí LNG của EU.
Nga là nhà cung cấp 40% lượng khí đốt, 27% lượng dầu mỏ và 46% lượng than đá nhập khẩu của châu Âu. EU vẫn đang thảo luận gói các biện pháp trừng phạt thứ 6 đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
Tuy nhiên, EU vẫn chưa đạt được đồng thuận trước đề xuất cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga do vấp phải phản đối từ Hungary, quốc gia phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Dự án đường ống Nord Stream 2 "chết yểu"
Trong khi đó, dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 - được xây dựng để dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua đường biển Baltic đã gần như "chết yểu" liên quan tới xung đột tại Ukraine.
Mới đây, phát ngôn viên Bộ Năng lượng và các vấn đề Kinh tế Đức Annika Einhorn cho biết dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 về cơ bản là đã "chết" sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Và tới nay, giới chức Đức chưa có lý do để thay đổi quan điểm về dự án - bà Einhorn cho hay.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đình chỉ quá trình cấp phép vận hành dự án Nord Stream 2 vào ngày 22/2 sau khi Nga công nhận độc lập của các Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (tự xưng) tại vùng ly khai Donbass, miền đông Ukraine.
Một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu chính quyền Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nord Stream 2 AG - công ty vận hành dự án Nord Stream 2.
Cuối tháng 3, hãng tin Stuttgarter Zeitung của Đức dẫn lời giám đốc Nord Stream 2 AG Matthias Warnig cho biết công ty sẽ nộp đơn xin phá sản.
Phía Nord Stream 2 AG không xác nhận thông tin về việc đã bắt đầu quá trình xin phá sản, chỉ cho biết đã thông báo với giới chức Thụy Sĩ về việc buộc phải chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Giới chức Đức cho biết dự án Nord Stream 2 bị dừng lại liên quan tới tình hình Ukraine. Ảnh - RIA
Đường ống Nord Stream 2 hoàn thành từ tháng 9/2021 nhưng chưa đi vào hoạt động do chưa được chính quyền Đức cấp phép. Đường ống có công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, được xây dựng để vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức qua đường Biển Baltic.
Mới đây, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết sẽ sử dụng một phần cơ sở hạ tầng của đường ống Nord Stream 2 để mở rộng nguồn cung khí đốt tới khách hàng trong nước trong bối cảnh đường ống hiện chưa được sử dụng để vận chuyển khí đốt sang Đức liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận