Dự án Pháp vân - Cầu Giẽ hoàn thành vượt tiến độ đã tạo thuận lợi, an toàn cho người và phương tiện lưu thông nơi tuyến đường cửa ngõ Thủ đô. Ảnh: Ngô Vinh. |
Những ngày cuối tháng 5, trên công trường Pháp Vân - Cầu Giẽ, những hạng mục nhỏ cuối cùng của Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT đang được các cán bộ, công nhân của Công ty CP 471 hoàn thiện nhằm đưa công trình về đích trước thời hạn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người và phương tiện lưu thông nơi tuyến đường cửa ngõ Thủ đô.
Tăng ba lần quân số đảm bảo ATGT
Trước đó, ngày 25/5, công trình nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn Km 192+000 - Km 199+500) do Công ty CP 471 đảm nhận thi công với tổng giá trị xây lắp 250 tỷ đồng đã hoàn thiện các hạng mục chính, về đích sớm hơn một tháng so với thời gian yêu cầu của Bộ GTVT (30/6).
“Tiến độ nhanh, chất lượng tốt, đảm bảo ATGT và tạo điều kiện thuận lợi cho các gói thầu liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty quán triệt trong suốt thời gian gần 6 tháng dầm mưa, dãi nắng tại công trường dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ”, PGĐ Công ty Vũ Hồng Trung, kiêm GĐĐH dự án bắt đầu câu chuyện với chúng tôi trong quá trình kiểm tra tuyến đường sáng 6/6.
Một trong những nhiệm vụ khá quan trọng tại dự án này là dù chỉ thi công 7,5km, song cái khó là tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có vai trò là đường cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, vì vậy mật độ phương tiện tập trung hết sức lớn và thường đông cục bộ vào ngày nghỉ, lễ, các thời điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều hàng ngày. Điều này đòi hỏi nhà thầu thi công cần phải có biện pháp đảm bảo giao thông hết sức bài bản và chuyên nghiệp nếu không muốn xảy ra ùn tắc và TNGT trong quá trình thi công.
Sau khi nhận được dự án, đơn vị đã phải nghiên cứu kỹ các phương án tổ chức giao thông. Ngoài chuyện phối hợp với các đơn vị đảm bảo ATGT, các lực lượng CSGT, các sở, ban, ngành... liên quan, Công ty CP 471 bố trí một Ban điều hành với 8-10 cán bộ, kỹ sư do Phó giám đốc công ty trực tiếp làm GĐĐH gói thầu. Hai kỹ sư dày dạn kinh nghiệm là Nguyễn Ngọc Minh và Dương Anh Tuấn đã từng tham gia điều hành thi công các công trình lớn như đường Vành đai 3 trên cao, đường nối từ cầu Nhật Tân về Sân bay quốc tế Nội Bài, QL1 hay đường cải tạo, nâng cấp QL3 cũ được giao phụ trách hai đội thi công chính, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông. Ban điều hành đã chủ động tăng quân số đảm bảo ATGT tại công trường lên đến 9 người, gấp ba lần biên chế cho dự án cùng quy mô.
Các hạng mục của dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ đang gấp rút hoàn thành. Ảnh: Ngô Vinh. |
Trong số này có hai cán bộ chuyên phụ trách công tác an toàn trực thuộc ban điều hành, ngoài ra, tại hai Đội thi công, mỗi đội được bố trí thêm 3 - 5 đồng chí thuộc Đội “Phản ứng nhanh” chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý trong các tình huống thi công cũng như khi xảy ra tình trạng tắc đường, ùn ứ cục bộ.
Trong quá trình thi công, Ban điều hành công trường chủ động tính toán, sắp xếp các mũi thi công theo giờ và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Cụ thể, mỗi mũi thi công nằm cách nhau hơn 1km, thi công 1/2 mặt cắt ngang đường (tính cho một chiều lưu thông), thi công đoạn nào dứt điểm ngay đoạn đó, tránh tình trạng bố trí các mũi thi công tràn lan, mất an toàn.
Để công trình không bị gián đoạn, các mũi thi công luôn được duy trì triển khai, phối hợp một cách nhuần nhuyễn theo quy trình tuần hoàn, luân phiên giữa các hạng mục vừa đảm bảo duy trì tính ổn định, liên tục cũng như sức khỏe cho cán bộ công nhân trong chiến dịch. Nhờ cách làm này, trong suốt thời gian thi công, tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn do Công ty CP 471 đảm nhận luôn được thông suốt và không để xảy ra tình trạng ùn tắc hay mất an toàn đáng tiếc nào, được các cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư đánh giá cao.
Một ngày thảm hơn 3.000 tấn bê tông nhựa
Trên tinh thần khẩn trương hoàn thiện dự án, ngoài chuyện tăng cường lực lượng bảo đảm ATGT thì việc chủ động tăng quân số, thiết bị, thậm chí nhà thầu chấp nhận chịu thêm chi phí phát sinh để hoàn thành sớm dự án đã được Công ty CP 471 thực hiện. Theo ông Bùi Đình Hoàng, PGĐ điều hành gói thầu, có những thời điểm Công ty CP 471 bố trí trên công trường đến 250 cán bộ, kỹ sư, công nhân, hơn 60 đầu thiết bị các loại (gấp ba lần các dự án có cùng quy mô) bám công trường làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả lao động, Ban điều hành công trường đã chủ động đề xuất với công ty, bố trí huy động hai trạm trộn bê tông đặt tại hai đầu tuyến với công suất 120 và 160 tấn/h, đảm bảo cho hai dây chuyền thảm hoạt động, giai đoạn cao điểm, nước rút, Ban điều hành huy động tăng cường lên ba dây chuyền thảm để đảm bảo tiến độ và phù hợp với thiết kế điều chỉnh. “Có những ngày chúng tôi rải được hơn 3 nghìn tấn bê tông nhựa, kỷ lục cho một gói thầu thi công của các công trình lớn mà chúng tôi được biết”, ông Trung chia sẻ.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, chuyện bố trí thêm thiết bị, tăng quân số cũng đã khiến nhà thầu phải chấp nhận tăng chi phí phát sinh. Tại dự án này, theo tính toán của đơn vị, chi phí cho việc lắp thêm trạm, huy động thêm quân số, bổ sung thêm thiết bị cũng ngốn thêm của nhà thầu khoảng hơn 2 tỷ đồng phát sinh. Ngoài ra, để động viên đội ngũ cán bộ, công nhân làm thêm ca ba, Công ty CP 471 cũng đã chủ động bổ sung tiền ăn ca, các chế độ lương thưởng kịp thời động viên cũng như đảm bảo điều kiện sức khoẻ để anh em làm việc.
Ban lãnh đạo công ty xác định “Chất lượng là sự sống còn của doanh nghiệp” nên theo kỹ sư Vũ Hồng Trung, tại dự án này, một trong những yếu tố giúp dự án về đích trước hẹn, đảm bảo chất lượng đó chính là sự chủ động của nhà thầu trong việc chọn nguồn vật liệu và đặt hàng vật liệu đầu vào: “Quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã phải chủ động tìm nguồn vật liệu, đặt hàng với các chủ cung cấp vật liệu tại Hà Nam cung cấp đủ số lượng khoảng 90 nghìn m3 đá đáp ứng chất lượng và yêu cầu kỹ thuật. Thậm chí Công ty CP 471 phải chấp nhận giá cao hơn để ổn định đầu vào của vật liệu, tránh tình trạng vừa làm vừa lo vật liệu, dẫn đến bị động lại không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn”.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng của sản phẩm, sau mỗi ngày thi công, Ban điều hành công trường kết hợp cùng đội thi công tổ chức kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm để bố trí công trường cũng như điều chỉnh cho ngày hôm sau nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, mỹ thuật công trình.
Trên công trường có đến 10 kỹ sư lành nghề, giàu kinh nghiệm chịu trách nhiệm các phần độc lập tại mỗi mũi thi công, hàng trăm công nhân có tay nghề cao tham gia vào các hạng mục cơ bản và bậc cao nhằm đảm bảo chất lượng ngay từ khi thi công mỗi hạng mục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận