Quản lý

Dự án PPP giao thông vẫn gặp khó vì cơ chế tài chính

13/04/2021, 06:38

Nghị định 28 vừa được Chính phủ ban hành cuối tháng 3/2021 vẫn bộc lộ nhiều bất cập, làm khó cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư dự án PPP...

img

Dự án đầu tư nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được triển khai theo hình thức PPP. Ảnh: Tạ Hải

Nghị định 28 quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng vừa được Chính phủ ban hành cuối tháng 3/2021 vẫn bộc lộ nhiều bất cập, làm khó cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Nhà đầu tư bỏ tiền trước, vốn hỗ trợ theo sau

Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 được kỳ vọng tạo ra cú hích để các bộ, ngành, địa phương huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư các dự án hạ tầng, giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước. Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng nghị định hướng dẫn chung, còn Bộ Tài Chính chủ trì xây dựng nghị định về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức PPP.

Thế nhưng, theo phản ánh của các nhà đầu tư, Nghị định 28 do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo vừa được ban hành vẫn còn nhiều “sạn” khiến việc thu hút nguồn lực xã hội sau thời gian dài trầm lắng, càng trở nên ảm đạm hơn. Chỉ tính riêng lĩnh vực hạ tầng giao thông, đến nay, chưa có bất cứ dự án mới nào triển khai thành công theo những quy định mới kể từ khi Luật PPP có hiệu lực.

Ngay cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) dù đã đấu thầu, lựa chọn xong nhà đầu tư từ cuối năm 2020, nay lại có nguy cơ bị “treo” khi quá trình đàm phán hợp đồng giữa Bộ GTVT và các nhà đầu tư trúng thầu đang gặp quá nhiều vướng mắc do các quy định “đánh đố” tại Nghị định 28.

“Nếu các quy định bất cập của nghị định không được sửa đổi bổ sung, cả 3 dự án có nguy cơ đổ vỡ, sắp tới lại phải trình cấp thẩm quyền điều chỉnh hình thức đầu tư”, đại diện Vụ PPP (Bộ GTVT) chia sẻ.

Đầu tiên là vướng mắc về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Theo quy định tại khoản 3, điều 8, Nghị định 28, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xây dựng hạng mục công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ được thanh toán cho khối lượng hạng mục hoàn thành đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận. Đồng nghĩa, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước, vốn hỗ trợ của Nhà nước chỉ giải ngân khi các hạng mục công trình đó đã hoàn thành.

“Điều này rất bất cập, bởi đã là hợp tác công tư, nhà đầu tư giải ngân một đồng thì Nhà nước cũng phải bỏ vốn góp theo tỷ lệ tương ứng. Do ràng buộc của quy định này nên chúng tôi đang gặp khó trong việc ký kết hợp đồng tín dụng do phía ngân hàng lo sợ rủi ro từ việc chậm giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước”, đại diện nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt chia sẻ.

Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) cho biết, điều 18, Nghị định 37/2015 quy định về hợp đồng xây dựng nêu rõ, nhà thầu thi công được tạm ứng tối thiểu 10% và tối đa 50% giá trị hợp đồng. Mặt khác, tại hợp đồng thi công các gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai theo hình thức đầu tư công, các nhà thầu được tạm ứng khoảng 30% giá trị hợp đồng.

“Tuy nhiên, đối với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, trong Nghị định 28 lại không có quy định cho doanh nghiệp được tạm ứng là rất vô lý. Do đó, điều khoản này cần sửa đổi theo hướng có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để tạm ứng, hỗ trợ nhà đầu tư, nhà thầu thi công trong giai đoạn chuẩn bị và thực hiện đầu tư dự án”, ông Thế cho biết.

Chưa quy định cơ chế xử lý khi vốn Nhà nước chậm giải ngân

Bất cập nữa là quy định về nguyên tắc kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công trong dự án PPP. Tại khoản 2, Nghị định 28 nêu: “Vốn Nhà nước trong dự án PPP được thanh toán khi cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn, giao dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật”.

Đại diện Vụ PPP (Bộ GTVT) cho rằng, quy định tại điều khoản này chưa nêu rõ cách thức xử lý trong trường hợp Nhà nước chậm giao kế hoạch vốn làm chậm tiến độ giải ngân theo quy định tại hợp đồng dự án PPP.

“Trong quá trình đàm phán hợp đồng các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, một số nhà đầu tư đang yêu cầu cần phải tính lãi nếu Nhà nước chậm giải ngân phần vốn hỗ trợ của Nhà nước”, đại diện Vụ PPP cho biết.

Theo ông Trần Văn Thế, một số dự án PPP triển khai trong thời gian qua bị chậm tiến độ xuất phát từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không bố trí kịp thời vốn ngân sách Nhà nước. Nhưng Nghị định 28 lại không quy định và hướng dẫn trường hợp phần vốn Nhà nước chậm giải ngân sẽ xử lý thế nào.

“Do quy định trên nên các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam hiện nay không có cơ sở đàm phán đưa vào điều khoản hợp đồng dự án”, ông Thế thông tin và cho rằng, quy định này trong Nghị định 28 cần sớm phải sửa đổi theo hướng: Trường hợp dự án được chấp thuận cấp vốn ngân sách Nhà nước nhưng nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa được bố trí và giải ngân kịp thời, nhà đầu tư có quyền huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án và được tính lãi vay.

Đẩy bất lợi về phía nhà đầu tư

Liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện chia sẻ doanh thu tăng, giảm, tại mục b, khoản 1, Nghị định 28 quy định: “Thực hiện điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 82 Luật PPP”.

Đại diện Vụ PPP cho rằng, điều khoản này cần phải quy định chi tiết việc áp dụng điều chỉnh mức giá, phí, thời hạn hợp đồng ở mức độ nào và đến khi nào để được chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu do không thể tăng giá, phí sản phẩm, dịch vụ công quá cao và tăng suốt vòng đời dự án.

Theo quy định tại Điều 42, Luật PPP, mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công là một trong những tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư. Mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công và thời hạn hợp đồng được xác định cố định và quy định cụ thể trong hợp đồng dự án PPP, khi điều chỉnh các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến việc tính toán các thông số tài chính, tiến độ huy động vốn, lãi vay của nhà đầu tư.

Bất cập khác là quy định về chia sẻ doanh thu của dự án PPP. Theo khoản 2, Điều 17, Nghị định 28, việc xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ sẽ do cơ quan ký kết hợp đồng dự án thực hiện, còn nhà đầu tư không được nhắc tới.

PGS. TS.Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, điều khoản này bất hợp lý, cần phải xem xét điều chỉnh sửa đổi hoặc hủy bỏ.

Theo ông Chủng, quy định của điều khoản này không phù hợp với khoản 4, Điều 82 của Luật PPP. Bởi, trong Luật PPP đã nêu rất rõ, định kỳ hàng năm, các bên trong hợp đồng dự án PPP xác định doanh thu thực tế, gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

“Doanh nghiệp dự án cũng là một bên trong hợp đồng dự án nên hoàn toàn có quyền tham gia quá trình xác định doanh thu làm căn cứ để thực hiện cơ chế chia sẻ doanh thu. Quy định này của Nghị định 28 trái với nguyên tắc bình đẳng giữa doanh nghiệp dự án và cơ quan ký hợp đồng nên cần xem xét sửa đổi hoặc hủy bỏ”, ông Chủng chia sẻ.

Cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định nói gì?

Lý giải lý do Nghị định 28 không có cơ chế xử lý trong trường hợp Nhà nước chậm giải ngân phần vốn hỗ trợ của Nhà nước, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết: “Hiện, đã có một số công văn gửi đến Bộ Tài chính xin ý kiến hướng dẫn để gỡ vướng ở điểm này, nhưng vẫn chưa thống nhất được cách thức thực hiện, trách nhiệm như thế nào, thẩm quyền ra sao bởi đây là quan hệ nội bộ giữa hai chủ thể kinh tế mà Luật Dân sự cho phép. Do đó, vấn đề này vẫn đang được nghiên cứu”.

Liên quan đến việc quyết toán dự án PPP, ông Lê Tuấn Anh cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính khi xây dựng chính sách là lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở đấu thầu. Tất cả bài thầu cấp thẩm quyền xây dựng, các điều kiện đều phải được quy định cụ thể trong bài thầu. Khi đấu thầu xong các bên sẽ căn cứ theo quyết định đấu thầu đó để thực hiện. Do đó, quan điểm của Bộ Tài chính ngay từ khi xây dựng nghị định hướng dẫn là tất cả các chi phí hợp lý phải được đưa vào trong hợp đồng.

C.Sơn (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.