QL1 được nâng cấp mở rộng góp phần kéo giảm TNGT và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương |
Với địa bàn Hà Tĩnh, hơn 100 km QL1 thênh thang bốn làn xe ngoài việc góp phần tăng cường năng lực giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc và kéo giảm TNGT sẽ còn là tiền đề tạo động lực giúp địa phương cũng như các tỉnh trong khu vực phát triển kinh tế - xã hội.
Bí thư, Chủ tịch tỉnh “xắn tay” chỉ đạo GPMB
Một trong những yếu tố quyết định dự án QL1 qua Hà Tĩnh về đích trước hẹn, được ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh “bật mí” là do Hà Tĩnh đã quyết liệt hoàn thành sớm công tác đền bù, GPMB giúp nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh, giải pháp đầu tiên mà Hà Tĩnh áp dụng thành công để hóa giải mặt bằng, chính là chủ động tuyên truyền cho người dân về mục đích ý nghĩa của Dự án nâng cấp QL1, cũng như áp dụng các chính sách về pháp luật liên quan đến đất đai một cách kịp thời, thống nhất, minh bạch và xuyên suốt đến từng hộ dân.
Cùng đó, các cấp chính quyền, các ngành của Hà Tĩnh đã chủ động trong việc phát huy vai trò, gắn trách nhiệm của người đứng đầu: “Hiếm có địa phương nào, công tác GPMB lại được cả Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm trực tiếp chỉ đạo như dự án QL1. Ngay từ khi được giao thực hiện GPMB dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã coi đây là nhiệm vụ chính trị cần được ưu tiên hàng đầu.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì họp triển khai GPMB với tất cả các Bí thư, Chủ tịch huyện, xã nơi có dự án đi qua. Sau đó phân công, mỗi Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách GPMB một huyện và từng Thường vụ huyện phụ trách GPMB của xã, lãnh đạo các xã chịu trách nhiệm họp với từng tổ chức đoàn thể, thôn, xóm và từng hộ dân giải đáp các khúc mắc trong công tác GPMB. Ngoài ra, mỗi tháng một lần, đích thân Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành đi kiểm tra thực tế tại hiện trường và đưa ra những quyết định, những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc kịp thời” ông Kỳ dẫn chứng.
Cùng với ý thức trách nhiệm, sự đồng thuận của các hộ bị ảnh hưởng, bằng sự quyết liệt của chính quyền các cấp, chỉ sau 6 tháng, Hà Tĩnh đã hoàn thành GPMB 124 nghìn ha đất trên chiều dài 75,7 km, đi qua 25 xã và một thị trấn của hai huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh với hơn 6.300 hộ dân, 20 công trình công cộng lớn, nhỏ. Với thành tích này, ngày 31/3/2014, Hà Tĩnh là một trong năm địa phương đầu tiên của cả nước cán đích hoàn thành GPMB QL1 và được Chính phủ biểu dương.
Lập “sở chỉ huy” dã chiến tại công trường quản tiến độ, chất lượng
Ngày 26/1, tại trụ sở Ban Quản lý và Điều hành dự án Sở GTVT Hà Tĩnh, ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Ban QLDA thông báo với PV: Đoạn tuyến QL1 dài 38 km do Sở làm chủ đầu tư vừa hoàn thành công tác thi công, được Hội đồng nghiệm thu cấp bộ đánh giá cao về chất lượng, tính mỹ thuật, đủ tiêu chuẩn bàn giao đưa vào sử dụng.
Đối với Dự án QL1 từ Nam TP Hà Tĩnh - Kỳ Anh có tổng chiều dài 71,65 km và được chia làm hai dự án thành phần,với tổng mức đầu tư gần 3.305 tỷ đồng. Trong đó, Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh được giao quản lý với tư cách chủ đầu tư dự án thành phần I, chiều dài 38 km (từ Km 517+950 đến Km 556+00), chia làm năm gói thầu do 7 nhà thầu thi công, tổng kinh phí đầu tư xây dựng lên đến hơn 2.022 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.
Trước đây, QL1 qua Hà Tĩnh là một trong những “điểm nóng” về TNGT của tỉnh. Hàng năm, số vụ TNGT xảy ra trên QL1 luôn chiếm 50-60% số vụ TNGT trong toàn tỉnh, trong đó đa số là những vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do xe đấu đầu. Đến nay, dự án đã hoàn thành, những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, thảm khốc đã không còn xảy ra, đồng thời giảm rất nhiều các vụ TNGT khác. |
Nhớ lại thời điểm cách đây hơn một năm về trước, ông Tùng cho biết: Tháng 6/2013, Bộ GTVT có quyết định triển khai dự án, tháng 9/2013 Hà Tĩnh tổ chức lễ động thổ khởi công dự án, nhưng thực tế đến cuối tháng 11/2013 các nhà thầu mới có thể đưa thiết bị vào triển khai thi công vì lúc này mặt bằng mới cơ bản được bàn giao.
Tuy nhiên, một lần nữa, quá trình thi công do gặp nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết nên chính thức phải đến tháng 2/2014, các nhà thầu mới thực sự triển khai thi công đồng loạt trên tuyến.
Đại diện Ban QLDA Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết thêm, trên tinh thần xác định dự án QL1 là dự án trọng điểm và không có “đường lùi” về tiến độ, nên chủ đầu tư luôn quán triệt các nhà thầu phải huy động tối đa nhân lực, thiết bị gấp hai lần các gói thầu có cùng quy mô, đồng thời ưu tiên tài chính để đảm bảo tiến độ được giao. Với tinh thần đó, suốt quá trình triển khai, lúc cao điểm 7 nhà thầu trên tuyến huy động tới hàng nghìn công nhân, hàng trăm cán bộ kỹ thuật, cùng hơn 400 thiết bị các loại, chia làm 20 mũi, thi công ba ca liên tục 24/24h để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ngoài ra, với vai trò chủ đầu tư dự án, Sở GTVT Hà Tĩnh chỉ đạo các phòng, ban chức năng của Sở cùng với Ban QLDA tham gia quản lý, đôn đốc tiến độ từng gói thầu: “Giám đốc Sở GTVT đã chỉ đạo thành lập Tổ Quản lý điều hành ngay tại hiện trường với 13 thành viên, do Phó giám đốc Ban QLDA làm Tổ trưởng, trực tiếp ăn, ngủ tại hiện trường để kịp thời xử lý các vướng mắc, Phó Giám đốc Sở GTVT làm Tổng chỉ huy Ban điều hành, thường xuyên có mặt trên tuyến để kiểm tra, rà soát tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thi công”, ông Tùng nói.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ, tại dự án QL1 do Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, việc quản chất lượng cũng được chủ đầu tư và nhà thầu siết chặt.
Theo Phó giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Trần Quang Tuấn: “Nhận thức được tầm quan trọng của tuyến giao thông huyết mạch, với lưu lượng xe trên tuyến gần 20 nghìn lượt/ngày - đêm, nên lãnh đạo sở, Ban QLDA, TVGS và đơn vị thi công đã vào cuộc rất quyết liệt trong công tác quản lý về chất lượng.Ngoài chuyện quản chất lượng chặt chẽ trước đây, đến giai đoạn triển khai thi công hạng mục bê tông nhựa lớp trên, Sở đã chủ động đề xuất Bộ GTVT cho thay thế vật liệu nhựa thông thường bằng bê tông nhựa polimer, nhằm tăng sức kháng ép, độ rỗng dư, giảm nguy cơ hằn lún vệt bánh xe. Quan trọng hơn, sự thay đổi này đã mang lại hiệu quả rõ rệt mà không làm thay đổi tổng mức đầu tư dự án theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng”.
Cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội...
Đó là thực tế mà PV Báo Giao thông ghi nhận tại một số địa bàn dọc theo QL1 chỉ cách thời điểm công trình về đích vài ngày. Nhờ Dự án QL1 mà đến nay, nhiều hộ dân ở các vùng quê nghèo khó đã thực sự được “đổi đời”. Trong số này, có trường hợp hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Dần (thôn Hoa Thắng, xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh).
Trước đây, gia đình anh Thanh, chị Dần sinh sống trên vùng đồi rừng, quanh năm vất vả vẫn không đủ sống. Từ khi dự án QL1 triển khai, đường mới mở ngay trước nhà, gia đình anh, chị bỗng chốc trở thành hộ kinh tế khá trong thôn. Ngoài số tiền đền bù hơn 600 m2 đất được dùng để dựng căn nhà mới, anh Thanh còn mở thêm một kiốt cho vợ bán hàng tạp hóa, đời sống gia đình nhờ đó khấm khá lên từng ngày.
Liên quan đến cơ hội xoá nghèo cho người dân, ông Trần Quang Tuấn khẳng định: “Với Hà Tĩnh, dự án QL1 hoàn thành không chỉ đem đến diện mạo mới về bộ mặt đô thị, tạo điều kiện cho người dân dọc hai tuyến phát triển kinh tế mà còn là tiền đề giúp địa phương này “bứt tốc” trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dự án QL1 tới đây sẽ đồng hành với các tuyến giao thông của tỉnh Hà Tĩnh trong việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao của Khu kinh tế Vũng Áng, cửa khẩu Cầu Treo và các khu đô thị dịch vụ thương mại khác của địa phương.
Đến nay, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tin chọn Hà Tĩnh làm nơi bỏ vốn đầu tư. Minh chứng rõ nhất, năm 2014 nhiều nhà đầu tư đã đề xuất lên UBND tỉnh xin cấp phép xây dựng Khu du lịch sinh thái Hồ Tào Voi, Khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao ở Đèo Ngang với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận