Trao đổi với báo giới về dự dự án trên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đồng Nai Trương Văn Vở nói:
“Nếu chúng ta để chậm dự án này sẽ có nhiều hệ lụy, nhất là về thu hút đầu tư. Tôi cho rằng, cảng hàng không Long Thành sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Về sự cần thiết và cấp thiết của nó cần phải tính toán. Nếu không cứ lo lắng, băn khoăn để rồi chậm triển khai, như vậy là lỡ cơ hội thu hút đầu tư, kéo theo đó là những vấn đề khác ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế của đất nước”.
Đại biểu Trương Văn Vở |
Nhiều người thấy cần thiết nhưng ngay Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng dự án chưa cấp thiết, nhất là trong tình hình ngân sách đang khó khăn?
Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tôi cho rằng rất phù hợp. Tại vì cố gắng thực hiện phương án là huy động vốn ODA và huy động vừa công vừa tư để đầu tư phát triển ở đây đã được xác định thành chủ trương của Đảng từ Nghị quyết T.Ư khóa 11; đã xác định trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Hơn nữa, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến xem xét về cơ chế chính sách đặc thù. Tôi cho cũng rất phù hợp để giảm áp lực từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN).
Thí dụ một trong những giải pháp làm giảm áp lực cho NSNN là Chính phủ xin Quốc hội cho chủ trương là sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa của Tổng công ty Cảng Hàng không để giảm áp lực nguồn NSNN cho bồi thường giải phóng mặt bằng.
Hai là nguồn ngân sách công không phải từ NSNN mà từ quyền sử dụng đất để góp vốn vào với đơn vị mà mình thu hút đầu tư để xây dựng cảng hàng không. Đây là nguồn rất quan trọng. Cái đó Quốc hội nên xem xét theo kiến nghị của Chính phủ.
Ông bình luận thế nào trước việc nhiều ĐBQH lo lắng hiệu quả đầu tư vào sân bay sau khi đưa vào khai thác?
Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề hiệu quả gắn với vị trí và sự cần thiết và cấp thiết của dự án này. Hiệu quả hiện nay là nhu cầu về vận tải khách và hàng hóa trung chuyển mang ý nghĩa quốc tế. Nếu đầu tư được sân bay Long Thành kịp thời thì sẽ giải tỏa áp lực trên, đồng thời giúp cho đất nước vươn lên. Đây cũng chính là điều kiện, tiền đề để tạo môi trường thu hút đầu tư tốt hơn; là một trong những dự án trong điểm nằm trong vùng trọng điểm kinh tế của phía Nam, và là động lực phát triển kinh tế phía Nam và cả các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Nhưng việc giải phóng mặt bằng cho dự án này, nếu được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng không phải đơn giản để triển khai?
Giải phóng mặt bằng ở Đồng Nai đã sẵn sàng hết rồi. Qua tiếp xúc cử tri, họ còn đề nghị với Quốc hội và Chính phủ sớm triển khai. Họ đã sẵn sàng vì quy hoạch đã triển khai rất từ lâu rồi. Cử tri đang chờ đợi mà không khéo nếu không kịp thời, làm chậm sẽ không đúng theo quy định của luật Đất đai.
Những người trong diện giải phóng mặt bằng đồng tình hết với tỷ lệ rất cao. Thậm chí, nhiều lần cử tri nhắc ĐBQH báo cáo Quốc hội và Chính phủ sớm triển khai chứ không nên mãi để quy hoạch thành quy hoạch treo. Vì quy hoạch này đã tính toán đưa vào quy hoạch được phê duyệt từ rất lâu và công bố cho dân lâu rồi.
Dư luận sẽ cho rằng, ông và các đại biểu khác của tỉnh Đồng Nai ủng hộ dự án này vì dự án đầu tư vào tỉnh mình. Ngoài ý nghĩa có tác dụng lan tỏa, dự án còn có thể giúp tăng thu NSNN cho địa phương?
Tôi nghĩ là không nên đặt quan điểm cục bộ của một địa phương mà phải nhìn trên quan điểm vùng phát triển kinh tế động lực mà Chính phủ đã xác định: Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh lân cận nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tạo động lực lan tỏa. Đó là đầu tư cho trung và dài hạn để bồi dưỡng nguồn thu. Có như thế mới thực hiện giải pháp đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, trong đó có đồng bộ giữa hạ tầng giao thông cả đường sắt, đường bộ và hàng không.
Theo Mạnh Quân/Thanh Niên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận