Riêng với tuyến đường kết nối vào sân bay vướng mặt bằng, Quốc hội đang xem xét chủ trương cho phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024.
Chuẩn bị tổng lực thi công vào mùa khô
Những ngày cuối tháng 10, PV Báo Giao thông trực tiếp ghi nhận thực tế hiện trường triển khai đại công trường thi công sân bay Long Thành. Theo quốc lộ 51 rồi rẽ vào đường tỉnh 769, qua cống chui cao tốc Long Thành mới vào được bên trong công trường. Hiện tại đây vẫn là lối vào duy nhất của đại công trường này.
Nhìn từ trên cao, hàng trăm chiếc xe ben chở đầy đất, chạy như mắc cửu từ nơi đào đến nơi san lấp. Ông Dương Quang Điện, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho hay, tổng cộng có gần 3.000 người đang làm việc tại dự án.
Chỉ tay về phía đoàn xe lu từ phía xa, ông Điện nói: "Những khu đất trước kia là đồi, vùng trũng thì nay đã được san lấp bằng phẳng. Ở khu vực trung tâm, mặt bằng đã được san xong và bàn giao cho nhà thầu thi công phần nhà ga, đài quan sát, khu điều hành… Nhân sự, máy móc được triển khai ca kíp, làm cả ban đêm. Phần san lấp đã đạt 90%, mục tiêu hoàn thành trong năm 2023", ông Điện nói.
Chúng tôi tiếp tục men theo đường công vụ, đi thêm khoảng hơn 2km mới đến khu vực thi công nhà ga hành khách. Mặc dù mới khởi công 2 tháng, nhưng các nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị đến công trường khá nhiều.
Quan sát cho thấy, có khoảng gần 100 nhân sự tập trung ở cánh trái khu vực thi công khoan cọc nhồi móng cẩu tháp. Một số khác phối hợp với điện lực lắp đặt trạm biến áp 560KVA.…
Theo đại diện tư vấn giám sát hạng mục nhà ga, do mới khởi công nên nhà thầu đang tập trung công tác chuẩn bị, như làm đường nội bộ, hoàn thành nhà điều hành... Đến nay, có 516 nhân sự trực tiếp trên công trường, 300 máy móc phục vụ thi công.
Đại diện một nhà thầu cho biết, đến nay cơ bản các hạng mục phụ đều gần về đích, vài tuần nữa sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính.
Ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – chủ đầu tư cho biết, đến nay mặt bằng bên trong sân bay đã bàn giao 100%. Các nhà thầu đang tăng tốc tất cả các hạng mục như san nền thoát nước, nhà ga hành khách, đường lăn sân đỗ… Toàn bộ đại công trường đều bám sát tiến độ theo đúng kế hoạch và các hợp đồng đã ký.
"Hiện nay, đang mùa mưa song ACV đã phối hợp với các đơn vị tư vấn, nhà thầu bố trí linh hoạt theo phương án thi công không ngừng nghỉ. Khi trời nắng thì thi công tổng lực, lúc mưa thì thi công các cấu kiện. Chủ đầu tư và nhà thầu đã lên kế hoạch chi tiết để thi công cao điểm khi mùa mưa kết thúc vào tháng 11", ông Việt thông tin.
Cuối tháng 11 thông đường công vụ
Rời khu vực trung tâm của sân bay Long Thành, chúng tôi trở ra đường tỉnh 769, ra lại quốc lộ 51 hướng về Bà Rịa - Vũng Tàu để đến khu vực thi công hai tuyến giao thông kết nối T1, T2. Khoảng cách mất hơn 15km vì chưa thông được đường công vụ từ bên trong ra đường T1.
Tuyến T1 có điểm đầu giao với quốc lộ 51 đoạn qua xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai. Còn tuyến T2 có điểm đầu giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, chạy song song với cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu rồi nhập vào tuyến T1 để vào sân bay.
Hiện nhà thầu huy động trên 600 nhân lực và gần 200 máy móc thiết bị phục vụ thi công. Theo ông Lê Dũng, Phó giám đốc Ban điều hành Tập đoàn Đèo Cả (một trong những nhà thầu thi công đường kết nối sân bay), nhân lực trên công trường đa số là quê miền Trung, miền Bắc. Xa gia đình vào Đồng Nai nên họ bám trụ công trường từ sáng tới đêm.
Cũng theo ông Dũng, hiện nhà thầu chủ yếu thi công tuyến T1 trước vì đã nhận được 99% mặt bằng. Tuyến này dài 4,3km nối thẳng từ quốc lộ 51 vào nhà ga.
"Ngoài việc phục vụ giao thông sau này, tuyến T1 còn có thêm sứ mệnh là đường công vụ, phục vụ vận chuyển vật tư, thiết bị. Liên danh các nhà thầu phấn đấu cuối tháng 11 sẽ xong", ông Dũng cho biết.
Lo mặt bằng làm đường kết nối
Ông Dương Quang Điện bày tỏ lo ngại khi nhắc đến mặt bằng cho tuyến T2. Tuyến này có chiều dài 3,5km, kết nối cao TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào sân bay. Hiện địa phương mới bàn giao được 34% diện tích, nhưng mặt bằng xôi đỗ, có những vị trí gần như không thể thi công được.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD. Dự án được chia thành 4 thành phần.
Dự án thành phần 1 gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được giao cho hải quan, công an địa phương, công an cửa khẩu, cảng vụ, kiểm dịch y tế bố trí nguồn vốn thực hiện. Chủ đầu tư của các công trình này đang thực hiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư.
Dự án thành phần 2 gồm các công trình phục vụ quản lý bay giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư. Đến nay, nhà thầu đã thi công xong phần hàng rào tạm, lán trại, vận chuyển trang thiết bị, vật tư vật liệu vào công trường; thi công lưới điện phục vụ thi công… tiến độ thực hiện dự án cơ bản đáp ứng được tiến độ chung.
Dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe, giao thông kết nối do Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV đầu tư, đang được triển khai theo kế hoạch đã đề ra.
Dự án thành phần 4 gồm các công trình khác như khu xử lý vệ sinh tàu bay, bảo trì phương tiện, cung cấp suất ăn do Bộ GTVT lựa chọn chủ đầu tư. Hiện đang thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị đầu tư.
"Địa phương cam kết trong năm nay sẽ bàn giao, nhưng hiện vẫn nhỏ giọt, mỗi đợt chỉ một vài ha", ông Điện nói và cho biết, nếu mặt bằng kéo dài đến sang năm, sẽ vướng vào mùa mưa, khi đó có muốn chạy đua tiến độ cũng khó.
Một dự án khác là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng có ý nghĩa quan trọng để kết nối sân bay Long Thành. Giai đoạn 1 dự án này có tổng chiều dài 53,7km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai (dài 34,2km) và Bà Rịa - Vũng Tàu (dài 19,5km).
Ở giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có 4-6 làn xe (tùy theo đoạn tuyến) với tổng vốn đầu tư 17.829 tỷ đồng. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Cả ba dự án đều đồng loạt khởi công vào ngày 18/6.
Tuy nhiên, với dự án thành phần 1 và 2 qua tỉnh Đồng Nai đến nay mới chỉ triển khai được 9% mặt bằng.
Các nhà thầu đã huy động máy móc, nhân lực triển khai thi công các hạng mục đầu tiên của dự án thành phần 2.
Theo ông Đinh Lê Thông, Giám đốc điều hành dự án thành phần 2, dù mới chỉ bàn giao 9% mặt bằng, nhưng Ban cũng yêu cầu nhà thầu tranh thủ, nhận được mặt bằng nào là bố trí thi công ngay.
Về vấn đề mặt bằng của tuyến T1, T2 ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, mặt bằng thi công tuyến T1 hiện chỉ vướng đường điện. Phía điện lực cũng đã có phương án di dời và có thể trong tuần tới sẽ triển khai để bàn giao hết.
Còn tuyến T2, cần thu hồi 59,68ha đất. Trong số 39ha đất của dân, đã thu hồi được 21ha. Đối với hơn 11ha đất cao su, hiện công ty cao su đã đồng ý bàn giao nhưng khó khăn là do phía công ty đang kẹt trong việc thanh lý cây cao su. Về tổng thể mặt bằng, dự kiến giữa tháng 11 sẽ bàn giao hết.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để sớm có mặt bằng, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo nhiều sở ngành, các địa phương khác cắt cử cán bộ biệt phái về huyện Long Thành để hỗ trợ địa phương. Ngoài ra, huyện Long Thành còn thành lập ban vận động tuyên truyền, gõ cửa từng nhà, vận động từng người sớm bàn giao.
Theo ông Đức, hiện Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua các nội dung bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện hai tuyến giao thông kết nối T1 và T2 vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Nếu được thông qua, việc này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các tuyến đường vào sân bay.
Tiến độ chung vẫn đang được kiểm soát
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tiến độ thực hiện dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang rất chậm. Diện tích thu hồi đất làm sân bay Long Thành gần 5.400ha. Cũng theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tiến độ của dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 còn chậm và gặp nhiều vướng mắc.
Ngày 26/10 vừa qua, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Nghị quyết 53 của Quốc hội, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021. Đến nay, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian triển khai đến năm 2024.
Chính phủ cũng đề nghị giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.900 xuống 19.200 tỷ đồng; giảm diện tích đất thu hồi từ 5.400 xuống hơn 5.300ha; bố trí tái định cư các hộ dân do thu hồi đất để thực hiện đầu tư 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về nội dung này vào ngày 9/11.
Phát biểu tại phiên họp tổ ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, dự án sân bay Long Thành là rất lớn nhưng triển khai trong bối cảnh có những biến động không lường trước được, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng rất cao.
Bộ trưởng khẳng định có thể chậm giải phóng mặt bằng và gia hạn tới 2024 nhưng tiến độ chung đang được kiểm soát, tổng thể nếu có chậm cũng sẽ không quá một năm. Hiện, Bộ GTVT đang chỉ đạo rất quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đến mức tối đa và cố gắng phấn đấu vượt tiến độ.
Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường cũng cho biết, còn 64ha chưa thu hồi chủ yếu nằm bên ngoài, không thuộc trung tâm dự án nên việc giải phóng mặt bằng tiếp theo không ảnh hưởng thi công sân bay. Ông Cường nêu rõ những phát sinh mang tính khách quan, lý do chủ quan và khẳng định Đồng Nai sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận