Đường bộ

Dự án Vành đai 3 TP.HCM: "Nên tham khảo cách làm của Quảng Ninh, Hải Phòng"

11/03/2022, 19:55

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM, nên tham khảo cách làm của Quảng Ninh, Hải Phòng về sáng kiến, cơ chế đột phá.

Chiều 11/3, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,với sự tham gia của chuyên gia, sau khi hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, đến nay kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ, một số công trình trọng điểm đã được đầu tư đưa vào khai thác, đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội lớn.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống đường vành đai TP.HCM nói riêng vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt là các công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa được đầu tư, khai thác đồng bộ.

img

Hội thảo dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 chiều 11/3

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận cách tiếp cận dự án Vành đai 3 không chỉ riêng đối với TP.HCM mà còn giúp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

“Chúng ta nên tham khảo cách làm của Quảng Ninh, Hải Phòng các sáng kiến về đầu tư hạ tầng giao thông, về cơ chế sáng tạo, đột phá. TP.HCM cần mạnh dạn đề xuất để thay đổi cách làm về hạ tầng hơn nữa", ông Thiên góp ý.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, hiếm có dự án nào hội tụ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" như dự án Vành đai 3 lúc này vì hơn 20 năm, 20 triệu người dân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mong mỏi.

Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 91,64 km, điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Giai đoạn 1 của dự án đầu tư khoảng 76,34 km, quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, cùng phần đường song hành hai bên quy mô mỗi bên bố trí tối thiểu hai làn xe.

Giai đoạn hoàn chỉnh đối với phần đường cao tốc là 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; đối với phần đường song hành sẽ đầu tư toàn bộ hai bên tuyến, mặt cắt ngang mỗi bên có tối thiểu hai làn xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Theo ông Phúc, những lợi ích mà công trình này mang lại như giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế qua việc giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu) thoát khỏi tắc nghẽn.

Điểm nghẽn xuất phát từ hệ thống giao thông vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó chi phí logistics cao, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị, đặc biệt là TP.HCM thường xảy ra. Những điểm nghẽn đã được cảnh báo từ nhiều năm qua nhưng mức độ chuyển biến chưa tương xứng.

Hệ thống đường vành đai đang được quy hoạch, trong đó điểm nhấn là Vành đai 3 sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô và cải thiện tình trạng giao thông của TP.

Ngoài ra còn kết nối TP với các tỉnh lân cận, rút ngắn thời gian di chuyển, giúp hoạt động vận tải, thông thương mua bán trong khu vực nhanh hơn...

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chia sẻ, gần 1/4 thế kỷ nghiên cứu vùng kinh tế phía Nam, ông nhiều lần cho rằng điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng giao thông kết nối.

"Khu vực là một vành đai công nghiệp trải dài Bến Lức - Đức Hòa - Long An về Vũng Tàu, thành trung tâm công nghiệp mang tính khu vực, gắn với cụm cảng ra biển Cái Mép - Thị Vải.

Tuy nhiên, một khi các đường vành đai đều nằm trên giấy thì cảng không phát triển mạnh được, tứ giác gồm 4 địa phương vốn rất nhiều cơ hội phát triển cũng bị kìm chân", ông Lịch nhận định.

Tham dự hội thảo qua hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, dự án Vành đai 3 thể hiện sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền các địa phương.

"Khó khăn nhất là công tác mặt bằng và chúng ta đã có kế hoạch để triển khai. Nếu được Quốc hội thông qua các cơ chế đặc thù, việc triển khai sẽ thuận lợi.

Từ kinh nghiệm thực hiện cao tốc Bắc- Nam phía Đông cho thấy, nếu Quốc hội thông qua cơ chế thực hiện dự án Vành đai 3, các địa phương cần nhanh chóng thành lập hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai sớm", Thứ trưởng Thọ chia sẻ.

UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Theo đó, hầu hết các nội dung quan trọng như về phương án đầu tư, phân kỳ xây dựng, công tác hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng ở các địa phương... về cơ bản vẫn được giữ nguyên như bản báo cáo Thủ tướng hồi cuối tháng 1. Tuy nhiên, về tổng mức đầu tư và tiến độ dự kiến có thay đổi.

Cụ thể, tổng mức đầu tư đường Vành đai 3 giai đoạn 1 được khái toán khoảng 75.377 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng và thiết bị ước tính hơn 25.900 tỉ đồng; phần giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 41.589 tỉ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, dự phòng...

Về nguồn vốn đầu tư, tỷ lệ ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư, tương đương hơn 38.740 tỉ đồng. Còn lại hơn 36.636 tỉ đồng từ ngân sách các địa phương.

Nếu được Chính phủ và Quốc hội thông qua, dự án sẽ khởi công vào quý 3/2023, hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và chính thức vận hành năm 2026.

Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, TP.HCM cùng các địa phương cũng kiến nghị Quốc hội được áp dụng một số cơ chế đặc thù để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ vào năm 2025.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.